Thời điểm hiện tại, điểm chuẩn cao nhất là 29,3 điểm - thuộc về Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cụ thể, 3 ngành sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, sư phạm địa lí (tổ hợp C00) đều có điểm chuẩn trên 29; trong đó sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử có điểm chuẩn 29,3, còn sư phạm địa lí có điểm chuẩn 29,05.
Điểm chuẩn cao thứ hai thuộc về Học viện Ngoại giao tổ hợp C00 với ngành Trung Quốc học khi có điểm trúng tuyển 29,2 điểm. Ngành truyền thông quốc tế của trường này lấy điểm chuẩn 29,05.
Cũng với tổ hợp C00, ngành báo chí - Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay có điểm chuẩn rất cao, ở mức 29,03 điểm. Điểm này chưa phải cao nhất trường vì ngành quan hệ công chúng năm nay lấy điểm chuẩn 29,1.
Ngành tâm lý học - Trường ĐH Y Hà Nội cũng có điểm chuẩn gây ấn tượng với 28,83 ở tổ hợp C00 ngay trong năm đầu tuyển sinh; đồng thời soán ngôi vị dẫn đầu nhiều năm của ngành y khoa, trở thành ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Y Hà Nội năm 2024.
Điểm chuẩn năm 2024 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng ở mức rất cao. Ở thang điểm 40, điểm chuẩn cao nhất là ngành quan hệ công chúng, (chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp) với 37,7 điểm- trung bình hơn 9,4 điểm/môn.
Năm nay, trên dữ liệu điểm các môn thi có thể thấy tỉ lệ thí sinh đạt điểm giỏi đều tăng so với năm 2023. Với khối xã hội, tỉ lệ điểm giỏi môn lịch sử tăng 6,6%; môn địa tăng đột biến khi chiếm tới 31% (trong khi năm 2023 chỉ là 6,6%); đồng thời có 3.175 bài thi môn địa đạt điểm tuyệt đối. Với môn ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên chiếm tỷ lệ 64,57%, cao kỷ lục từ trước tới nay. Vì điểm thi cao nên điểm chuẩn tăng so với năm ngoái, nhất là với tổ hợp C00.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), thời hạn để các trường công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1 là trước 17h ngày 19/8.
Hiện nay đã có nhiều cơ sở đào tạo dự kiến công bố điểm chuẩn. Bộ GD&ĐT lưu ý, các cơ sở đào tạo tuyệt đối tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định về danh sách trúng tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức là danh sách thí sinh được Hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại cơ sở đào tạo (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do cơ sở đào tạo tải lên Hệ thống) sau khi xử lý nguyện vọng lần cuối cùng vào ngày 17/8. Các cơ sở đào tạo tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên Hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo.
Các cơ sở đào tạo chỉ được công bố mức điểm trúng tuyển sau lần lọc ảo cuối cùng, công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo việc công bố thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có).
Các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học vì các lý do như: Không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ, điều kiện sức khỏe, không bảo đảm yêu cầu về lý lịch để học tập… Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm chủ động giải quyết và phối hợp với các cơ sở đào tạo liên quan để giải quyết các trường hợp ngoại lệ, trường hợp rủi ro cho thí sinh.
Nếu cơ sở đào tạo xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế, dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký, thì cơ sở đào tạo và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 27 của Quy chế tuyển sinh. Những cơ sở đào tạo tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.
Các cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 19/8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 27/8 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).
Trên cơ sở số thí sinh xác nhận nhập học, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển các đợt tiếp theo (nếu có) và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Thiên Trường (t/h)