THCL Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vừa qua, cùng một số bất ổn gây ra bởi các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và việc đồng USD yếu đi khiến giá vàng tại thị trường Châu Á áp sát mức đỉnh của ba tháng, do nhu cầu tìm đến vàng như một “nơi trú ấn an toàn” đang gia tăng.
Giá vàng tại thị trường châu Á tăng do nhu cầu tìm vàng như một “nơi trú ẩn an toàn” trước những biến động mới đây
Tại phiên giao dịch ngày 8/2, thị trường vàng châu Á đã ghi nhận giá vàng tăng gần áp sát mức đỉnh của ba tháng đạt được trong phiên trước, giữa bối cảnh bất ổn về chính trị và kinh tế tại Mỹ, châu Âu đẩy tăng nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng.
Đến 13 giờ 16 phút (giờ Việt Nam), giá vàng gần như không đổi so với phiên trước, đứng ở mức 1.233,06 USD/ounce. Trong phiên giao dịch trước, giá vàng đã vọt lên 1.235,78 USD/ounce - mức cao nhất kể từ phiên 11/11/2016.
Theo ông Jiang Shu, chuyên gia phân tích trưởng tại Shandong Gold Group, nhận định sức đẩy lớn nhất của vàng là thực tế Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vừa qua, cùng một số bất ổn gây ra bởi các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và việc đồng USD yếu đi.
Ông này cũng nhận định, giá vàng sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa tháng Hai. Nhưng một khi số liệu về tình hình lạm phát trong tháng 1/2017 được công bố, thị trường sẽ có cơ sở để nhận định về khả năng Mỹ có tăng lãi suất vào tháng Ba hay không.
Lượng vàng do Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đạt 826,95 tấn tính đến phiên 7/2, tăng 1,01% so với phiên trước đó và tăng phiên thứ năm liên tiếp.
Giá bạc phiên này gần như đi ngang, được giao dịch ở mức 17,68 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ phiên 11/11/2016 là 17,79 USD/ounce trong phiên trước. Bạch kim phiên này tăng giá 0,7% lên 1.008,40 USD/ounce, sau khi chạm “đỉnh” kể từ phiên 9/11/2016 là 1.015,2 USD/ounce trong phiên trước. Giá paladi phiên này giảm 0,2% xuống 759 USD/ounce.
PV