Chính thức ban hành thông tư về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu - Hình 1

Chính thức ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo đó, Bộ Tài chính  quy định cụ thể mức chi mua tin trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả như: Mức tạm ứng chi mua tin cụ thể đối với từng vụ việc do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên cơ sở dự báo về số thu từ xử phạt vi phạm hành chính và số tiền bán tài sản tịch thu để quyết định mức tạm ứng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã thực hiện thanh toán chi phí mua tin từ nguồn kinh phí thanh toán các chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg thì không thực hiện thanh toán chi phí mua tin từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

Trường hợp số tiền thu được do bán tài sản không đủ thanh toán chi phí mua tin thì việc thanh toán chi mua tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP; trường hợp tài sản được xử lý theo hình thức chuyển giao, tiêu hủy thì nguồn kinh phí để chi mua tin thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính quy định khá chặt chẽ việc mua tin, cụ thể như: Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và thủ trưởng cơ quan, đơn vị…

Kể từ tháng 5/2017, mức chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia điều tra, mật phục, truy bắt, kiểm tra, kiểm soát đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là 100.000 đồng/người/ngày. Việc xác định đối tượng hưởng bồi dưỡng do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quyết định và chịu trách nhiệm.

Các quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao là rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... 

Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp, phụ gia thực phẩm không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi còn diễn biến phức tạp, tiểm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

H.M