THCL Bộ Tài chính chính thức hoàn thiện cơ chế, chính sách và mức chi mua tin trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tạo cơ chế mua tin trong chống buôn lậu, gian lận thương mại - Hình 1

Kinh phí thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hạn chế

Cụ thể mức chi mua tin được quy định trong dự thảo Thông tư Quy định chi tiết một số điều của Quyết định 20/2016/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả: Mức tạm ứng chi mua tin cụ thể đối với từng vụ việc do Thủ trưởng đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên cơ sở dự báo về số thu từ xử phạt vi phạm hành chính và số tiền bán tài sản tịch thu để quyết định mức tạm ứng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã thực hiện thanh toán chi phí mua tin từ nguồn kinh phí thanh toán các chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định tại Điều 7 Quyết định 20/2016/QĐ-TTg thì không thực hiện thanh toán chi phí mua tin từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành. Trường hợp số tiền thu được do bán tài sản không đủ thanh toán chi phí mua tin thì việc thanh toán chi mua tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 29/2014/NĐ-CP; trường hợp tài sản được xử lý theo hình thức chuyển giao, tiêu hủy thì nguồn kinh phí để chi mua tin thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 29/2014/NĐ-CP.

Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Tài chính, việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung sau: Hàng năm, cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả căn cứ vào các nội dung sau để lập dự toán: Yêu cầu nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của năm kế hoạch.

Tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính, hình sự đối với các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả do các cơ quan chức năng chủ trì bắt giữ, quyết định xử lý của năm trước liền kề, bao gồm: Tiền nộp phạt vi phạm hành chính; tiền bán tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính nộp vào ngân sách nhà nước sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật; Tiền bán tài sản là vật chứng vụ án, một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự đối với các vụ án hình sự về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nộp vào ngân sách nhà nước sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật…

Ngoài nguồn kinh phí từ NSNN, Bộ Tài chính quy định cụ thể việc tiếp nhận, quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước. Theo đó,  đối với tài sản hỗ trợ tự nguyện là tiền, ngoại tệ: Cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phải mở tài khoản tiền gửi khác tại Kho bạc nhà nước để hạch toán, quản lý theo quy định.

Thủ tục mở và sử dụng tài khoản quy định tại Thông tư 61/2014/TT-BTC ngày 12/5/2014 về việc đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN; Đối với tài sản hỗ trợ tự nguyện là hiện vật, cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phải thực hiện xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản và thực hiện quản lý, sử dụng tài sản theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước thực hiện đúng Mục đích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện và đảm bảo không được trái với pháp luật hiện hành.

Trường hợp việc hỗ trợ không nêu Mục đích cụ thể thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả căn cứ nội dung chi và mức chi quy định tại Điều 6 Quyết định 20/2016/QĐ-TTg để quyết định việc hỗ trợ cho phù hợp với công tác của cơ quan, đơn vị, đảm bảo công khai, minh bạch, số kinh phí chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Đối với việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tư Pháp về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, như:  Tổ chức bộ máy của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chậm được đổi mới; chất lượng, số lượng cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa bảo đảm so với yêu cầu thực tiễn; Kinh phí thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hạn chế.

Mặc dù hoạt động thường xuyên của các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được bố trí, bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách của nhà nước, nhưng trên thực tế mức chi cho các hoạt động mang tính nghiệp vụ, đặc thù (Ví dụ như: Điều tra, xác minh; mua tin; kiểm tra, giám định; bắt giữ xử lý vi phạm; bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan; thanh toán bồi dưỡng làm đêm, thêm giờ…) còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hoạt động.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, kỹ thuật nghiệp vụ cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (trụ sở làm việc, phương tiện, công cụ hỗ trợ, kho lưu giữ tang vật, phương tiện vi phạm) tại cấp tỉnh và cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác (số lượng ít, phương tiện hư hỏng, lạc hậu).

PV