THCL Theo Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), hiện nay, đại đa số các chủ thể quyền ở Việt Nam chưa chủ động thực hiện bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào các cơ quan thực thi pháp luật.

Hạn chế đủ đường

Cụ thể, họ chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ sản phẩm (trừ các đơn vị có yếu tố nước ngoài), do đó đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng uy tín để có hành vi vi phạm. Trong thực tế đấu tranh với các loại tội phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), nhiều trường hợp cơ quan điều tra không tìm được chủ sở hữu của đối tượng bị xâm hại (chủ thể quyền), trong khi đó theo quy định của luật có những tội danh bắt buộc phải khởi tố và chỉ khởi tố theo yêu cầu của bị hại như Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171), quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa biện pháp hình sự và biện pháp hành chính trong việc xử lý các hành vi vi phạm về SHTT, dẫn đến việc một vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử bằng biện pháp hành chính.

Đặc biệt, về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn, đồ dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi lại thiếu quy định về định lượng mà chỉ nêu có “số lượng lớn” “số lượng rất lớn” và “số lượng đặc biệt lớn” rất chung chung, bao nhiêu là lớn, rất lớn... rất khó cho cơ quan điều tra trong xử lý hình sự.

Trong các điều luật có tình tiết về hậu quả cũng rất chung chung như: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”... những dấu hiệu này đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Việc giám định hàng thật, hàng giả còn phức tạp, kéo dài, kinh phí giám định còn hạn chế; trang thiết bị, kỹ thuật như phương tiện, công cụ hỗ trợ thu thập tài liệu trinh sát còn thiếu. Lực lượng làm công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm SHTT thiếu về nhân sự và chưa am hiểu hết về chuyên môn cho nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu trong tình hình hiện nay…

Tăng cường nhiều biện pháp

Căn cứ Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 thì, chức năng phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm về xâm phạm SHTT và hàng giả sẽ chuyển giao cho Cục Cảnh sát điều tra chống buôn lậu và xâm phạm SHTT (C74 - trực thuộc Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an). Do đó, nhiệm vụ trước mắt của Cục Cảnh sát kinh tế sẽ là chuyển giao chức năng nhiệm vụ, trang thiết bị của các dự án về SHTT cho C74. Bảo đảm đến 01/7/2016, khi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng sửa đổi có hiệu lực thì bộ máy thực thi về quyền SHTT của lực lượng cảnh sát sẽ vận hành một cách có hiệu quả.

Để đấu trang phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm SHTT có hiệu quả, đòi hỏi các lực lượng chức năng, trong đó, có lực lượng cảnh sát kinh tế phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và công tác đấu tranh chống tội phạm về xâm phạm quyền SHTT và các hành vi liên quan khác. Việc áp dụng triển khai các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an phải bám sát các quy định nghiệp vụ của nghành do Nhà nước quy định.

Với đặc điểm và tính chất phức tạp trong công tác phát hiện điều tra và xử lý đòi hỏi lực lượng Cảnh sát kinh tế phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài ngành, đặc biệt là các lực lượng thực thi quyền SHTT. Phải có kế hoạch phối hợp giữa các ngành tiến hành các đợt kiểm tra trọng điểm. Đồng thời, phải có kế hoạch lâu dài phối hợp liên ngành để tiến hành các đợt tổng kiểm tra trên phạm vi rộng. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giữa 09 bộ, ngành liên quan. Định kỳ phải tiến hành tổng kết đánh giá về tình hình vi phạm, những việc đã làm được. Đồng thời rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế. Từ đó đưa ra các giải pháp có hiệu quả trong công tác phòng ngừa đấu tranh chống xâm phạm SHTT.

Thanh Hà