Từ cột mốc xuất khẩu gỗ 10 tỷ USD/năm
Theo thống kê, từ năm 2010 đến năm 2016 ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu bình quân từ 3 đến 4 tỷ USD/năm với tốc độ tăng trưởng 17%/năm. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và đồ gỗ các loại khoảng 10 tỷ USD/năm. Đây là cột mốc đang tự hào của các doanh nghiệp gỗ trong lĩnh vực kinh doanh XNK, tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu thuế hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Hàng trăm ngàn m3 đang phơi mưa, nắng tại chợ gỗ nhập khẩu Đình Vũ (Ảnh: Quang Chiến)
Theo đánh giá, người Việt Nam rất khéo tay, có nghề trong lĩnh vực đóng đồ gỗ gia dụng như: giường, tủ, bàn ăn, song trụ cầu thang, salon Âu Á, tranh, tượng, cây cảnh và các loại con giống, ván gỗ lát sàn… các loại xuất khẩu đi các nước. Thập chí, người thợ gỗ còn làm nhà cột, đình chùa, miếu mạo và làm cả biệt thự hoàn toàn bằng gỗ.
Từ đây đã hình thành lên các làng ghề đồ mộc nổi tiếng như: Đồng Kỵ (Bắc Ninh); làng nghề mộc Đồng Giao, Hải Dương; làng nghề Đại Nghiệp, Phúc Xuyên, Hà Nội; Làng nghề La Xuyên, Nam Định; Làng nghề mộc Phú Lộc, Ninh Bình; làng nghề mộc Thuỵ Lâm, Hưng Yên…
Để có nguồn gỗ tự nhiên phục vụ các làng nghề truyền thống này, trong khi việc khai thác gỗ từ rừng Việt Nam và một số nước như Lào, Campuchia trong những năm gần đây đã bị cấm, thì các DN đã nhập gỗ từ một số nước châu Phi như Cana, Cong Go, Morambich và quốc đảo Solomong, Nam Thái Bình Dương.
“Giai đoạn đoạn đầu, một số DN Việt Nam đến một số nước có dân số ít, nhưng có diện tích rừng tự nhiên rất lớn như Cana, Morumbich mua rừng của các bộ lạc, với giá 10.000USD/10km2 rừng, thuê nhân công để tự khai thác gỗ tự nhiên, vận chuyển về Việt Nam. Những năm gần đây, họ lại mua các đống gỗ các loại của các doanh nghiệp Trung Quốc sang châu Phi khai thác (dưới dạng đổi hạ tầng lấy gỗ), sau đó vận chuyển ra cảng, đóng container đưa về Việt Nam. Gỗ tươi các loại từ khi khai thác từ rừng châu Phi, đến khi đưa về Việt Nam sẽ mất khoảng thời gian từ 6 tháng, đến 1 năm. Nếu lượng gỗ tươi này không được xuất bán ngay cho các làng nghề để chế biến, bảo quản, mà cứ nằm phơi ngoài bãi thì giá trị cũng giảm rất nhanh do bị nứt, vỡ do thời tiết nóng ẩm của Việt Nam và phát sinh thêm các khoản lãi vay của Ngân hàng...” – ông Đặng Hồng Quân – Giám đốc Công Ty Minh Phương chia sẽ với phóng viên.
Đến chợ gỗ nhập khẩu Đình Vũ, Hải Phòng
Theo Báo cáo của Khu công nghiệp Minh Phương, đến nay doanh nghiệp này đã thu hút được 38 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, diện tích được lấp đầy 100%. Các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp bao gồm 2 lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là kinh doanh logictis và kinh doanh gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Trong đó: 30 nhà đầu tư thứ cấp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực logictis với diện tích khoảng 150 ha. 8 nhà đầu tư hoạt động kinh doanh bến bãi và gỗ nguyên liệu nhập khẩu với diện tích khoảng 30 ha. Hiện nay có hơn 90% lượng gỗ nhập khẩu qua cảng Hải Phòng luân chuyển và gần 150 chủ gỗ đang hoạt động kinh doanh trên diện tích 30 ha này trong KCN Minh Phương. Từ đây đã hình thành lên Chợ gỗ nhập khẩu tại Đình Vũ, Hải Phòng với hoạt động bán mua tấp lập.
trên 200.000m3 gỗ đang tồn đọng tại KCN Minh Phương, Đình Vũ, Hải Phòng (Ảnh: Quang Chiến)
Các làng nghề, thậm trí các ông củ cơ sở đồ mộc nhỏ lẻ tại các địa phương có thể đến đây chọn mua từng loại gỗ, từng cây gỗ dài, ngắn theo yêu cầu đóng đồ của mình, sau đó thuê xe container của các doanh nghiệp vận tải chở về nhà. Để có “chân hàng” cho việc vận chuyển ổn định, một số DN vận tải như Trường Xuân, Sơn Lâm sẵn sàng cho các DN nhập khẩu gỗ mượn mặt bằng để tập kết gỗ miễn phí, họ sẽ kiêm việc bốc xếp, vận chuyển gỗ khi có người mua yêu cầu.
Theo thống kê của cơ quan Hải quan, chỉ trong tháng 5/2019, lượng gỗ tròn nhập khẩu của cả nước nhập về là 722.202m3 với giá trị trên 5 ngàn tỷ đồng, trong đó nhập khẩu qua cảng Hải Phòng là 214.259m3 gỗ các loại, trị giá hơn 1.439 tỷ đồng. Tiền thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường… nộp cho nhà nước là trên 410 tỷ đồng. Trong đó, thuế nộp cho khu vực Hải Phòng trị giá trên 144,6 tỷ đồng. Đây là nguồn thu ngân sách rất lớn cho nhà nước và thành phố Hải Phòng.
Hàng nghìn cây gỗ tròn nhập khẩu đang "bốc hơi" giá trị mỗi ngày do khí hậu, nóng ẩm (Ảnh: Quang Chiến)
Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thêm vào đó hàng hóa sau gia công từ các làng nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất khẩu sản phẩm từ gỗ giảm sản lượng gần 50%, dẫn đến các đơn vị kinh doanh gỗ tại “chợ gỗ nhập khẩu Đình Vũ, Hải Phòng” không bán được hàng, trong khi đó việc đặt hàng nhập khẩu gỗ từ nước ngoài vẫn đang liên tục nhập về cảng Hải Phòng. Việc không bán được hàng trong khi hàng hóa vẫn chuyển về Việt Nam với khối lượng lớn dẫn đến giá cả các chủng loại gỗ từ đầu năm 2019 đến nay đã giảm từ 2-5 triệu VNĐ/m3 gỗ, gần như 100% các chủ DN kinh doanh gỗ nhập khẩu bị thua lỗ từ một vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Một DN kinh doanh vận chuyển gỗ nhập khẩu tại “chợ gỗ XNK Đình Vũ” xin được giấu tên tâm sự: Hầu hết các DN kinh doanh gỗ XNK đều vay vốn ngân hàng 50% bằng việc thế chấp luôn lô hàng gỗ nhập về cảng. Khi xuất bán gỗ cho khách hàng, là nhân viên ngân hàng túc trực tại bãi gỗ để thu nợ. Trong khi đó, các DN chúng tôi khi bán hàng cho các làng nghề cũng chỉ thu được 50% “tiền tươi”, còn lại cũng phải cho họ trả dần. Do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, từ đầu năm 2019 đến nay lượng đồ gỗ xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc đã giảm 50%. Thị trường đồ nội thất trong nước cũng bị cạnh tranh khốc liệt bởi, gỗ công nghiệp Trung quốc xuất về Việt Nam cho một số DN Việt Nam (do người Trung Quốc đứng sau) giá chỉ bằng nửa so với các DN gỗ công nghiệp Việt Nam. Vì vậy, lượng gỗ tròn tự nhiên đang tồn đọng tại “chợ gỗ nhập khẩu Đình Vũ” khoảng 250.000m3. Lượng gỗ nhập do đã ký Hợp đồng và chuyển tiền cho nước ngoài từ trước cứ ùn ùn nhập về cảng. Trong khi chúng tôi không bán được hàng, gỗ tươi cứ phơi ngoài trời thì mỗi tháng giá trị hàng hoá sẽ bốc hơi khoảng 10%, do hư hỏng, nứt vỡ bởi thời tiết. Nhiều loại gỗ tạp phơi nắng lâu ngày, giờ có giá như bán củi. Do thua lỗ nặng, nhiều chủ gỗ không muốn xuống “chợ” để bán gỗ nữa, vì bán cũng không thu đủ tiền trả ngân hàng và tiền nợ cước các chủ các DN vận tải. Vì vậy, họ cứ “đắp chiếu” để đấy, để có “chỗ chỉ” khi các Ngân hàng đến thu nợ!
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho “chợ gỗ nhập khẩu Đình Vũ”?
Trong cơn bĩ cực như hiện nay, theo chúng tôi việc đầu tiên là các DN kinh doanh gỗ nhập khẩu phải tự tìm giải pháp cơ cấu lại việc kinh doanh và việc tìm nguồn trả các khoản nợ “nóng” để tránh việc rơi vào tình trạng phá sản.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng như các ngân hàng thương mại cần có biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho các DN nhập khẩu gỗ như giãn nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ các khoản vay trước đó để giúp các DN có điều kiện trả nợ.
Các các cây gỗ tròn có độ dài, ngắn khác nhau tại chợ gỗ nhập khẩu Đình Vũ (Ảnh: Quang Chiến)
Trước thực trạng khó khăn này, Công ty Minh Phương đã có một số biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư kinh doanh gỗ nhập khẩu trong KCN Minh Phương như: miễn thu tiền quản lý cơ sở hạ tầng nợ đọng từ từ năm 2017 – 2019 cho các nhà đầu tư như: Công ty TNHH TM Đại Lợi (gần 700 triệu đồng), Công ty TNHH Nam Sơn Hà (trên 500 triệu đồng), Công ty TNHH TM và SX Trí Dũng gần 300 triệu đồng và Công ty TNHH Tài Nguyên (trên 400 triệu đồng) gần 2 tỷ đồng.
Do những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh gỗ nêu trên, đầu năm 2019 Công ty Minh Phương cho Công ty Trường Xuân mượn 2.5ha sau Công ty Nam Hải ICD để chứa lượng gỗ đang tồn đọng trong thời gian chờ giải phóng, mà không thu bất kỳ một khoản phí nào từ công ty Trường Xuân hay từ các chủ gỗ (gần như 100% các chủ gỗ tại Khu công nghiệp được miễn tiền thuê mặt bằng để gỗ).
Cùng với những nỗ lực của các DN, ngân hàng, thì trong lúc khó khăn này, các DN cũng đang cần sự cảm thông, giúp đỡ tích cực từ các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng bằng việc đề nghị UBND TP Hải Phòng cần tổ chức ngay một cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh gỗ nhập khẩu. Xem xét việc miễn thu của các DN này những khoản phí cơ sở hạ tầng cảng biển, phí môi trường… đến khi họ giải phóng hết số gỗ lớn đang tồn đọng tại Đình Vũ; phối hợp với các tổ chức tín dụng tiến hành hỗ trợ việc khoanh nợ, giãn nợ các khoản vay; xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mượn một số mặt bằng để tập kết “kho gỗ lộ thiên” tránh việc để gỗ tràn lan vào khu vực quy hoạch trồng cây xanh, đường nộ bộ trong KCN Minh Phương hiện nay.
Quang Chiến - Thu Trang