Đa dạng hương vị, mẫu mã
Một ki ốt của hãng Kinh Đô tại vỉa hè đường Đà Nẵng, Hải Phòng. (Ảnh: Quang Chiến)
Ngay từ đầu tháng 8/2019, trên nhiều tuyến phố: Đà Nẵng, Cầu Đất, Tô Hiệu, Lê Lợi, Lạch Tray…đã xuất hiện nhiều ki-ốt bày bán sản phẩm bánh trung thu của các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Akiko… Tuy nhiên, lượng khách tới mua khá ít ỏi.
Theo một nhân viên tại điểm bán hàng lưu động của Kinh Đô trên đường Đà Nẵng, dòng sản phẩm biếu tặng, trọng lượng nhỏ (180g, 150g/chiếc) có giá từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/chiếc, tuỳ theo nhân bánh như: gà quay Jambon, thập cẩm lạp xưởng, khoai môn, đậu xanh, sầu riêng, sữa dừa. Với hộp 4 bánh nướng, dẻo thì giá từ 240.000 đồng đến 260.000 đồng. Dòng sản phẩm biếu tặng trọng lượng lớn 210g, 250g, 800g/chiếc với nhân: Bào ngư, gà quay sốt X.O, Jambon xá xíu, lạp xưởng ngũ hạt, sữa dừa hạt dưa, đậu đỏ kiểu nhật… có giá dao động từ 85.000 đồng đến 480.000 đồng/chiếc.
Ngoài ra, Kinh Đô còn có dòng sản phẩm biếu tặng cao cấp như: “Trăng vàng hoàng kim vinh hoa” 1,3 triệu đồng/hộp 4 bánh loại 180g/chiếc và 1 hộp trà Ô Long 50g; “Trăng vàng bạch kim đắc lộc” 2,5 triệu đồng/hộp 6 bánh và “Trăng vàng kim cương trường khang” 4 triệu đồng/hộp 6 bánh và 1 hộp trà Ô Long 50g.
"Tuy mở bán từ hơn một tháng nay, nhưng do là điểm mới, nên mỗi ngày, chúng tôi chỉ bán được một vài hộp bánh loại bình dân với doanh thu khoảng trên 1 triệu đồng. Hầu như năm nào cũng vậy, các quầy hàng lưu động chỉ đông khách khi cách trung thu khoảng 1 tuần”, nhân viên này cho hay.
Mùa trung thu năm nay, thương hiệu Akiko cạnh tranh với các hãng dựa trên giá thành và chủng loại nhân bánh mới. Bằng việc giảm trọng lượng mỗi bánh từ 100g xuống còn 80g, giá mỗi hộp bánh 4 chiếc đã giảm 50.000 đồng, với các loại nhân mới như: Lava trứng muối, thịt bò, hạnh nhân, dưa gang, xoài, sôcôla, khoai lang tím,...
Với các loại bánh nhân bánh truyền thống thì giá và trọng lượng không thay đổi so với năm trước, dao động từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/chiếc 160g. Ngoài loại bánh nướng dành riêng cho người bị tiểu đường với nhân hạt sen, hạnh nhân, vừng đen, trà xanh, hãng cho ra mắt dòng bánh mới với nhân chảy như: trứng mặn, socôla, chanh leo, rượu vang cherry,.. hấp dẫn khách hàng trẻ muốn thay đổi khẩu vị truyền thống.
Thương hiệu bánh Hữu Nghị năm nay cũng mở thêm cửa hàng ở nhiều quận, huyện và tuyến phố lớn của Hải Phòng. Mẫu mã và chất lượng của hãng cũng không thay đổi nhiều. Ngoài nhân bánh mới như nhân cốm, hãng đã thay đổi về công thức pha chế như giảm vị ngọt theo xu hướng hiện đại. Giá bán từ 46.000 đồng/bánh dẻo nhân đậu xanh 150g; 54.000 đồng/bánh nướng ngũ nhân, đậu xanh 150g; hộp bánh cao cấp “Thanh nguyệt Trường Thịnh” 2 ngăn 1 bánh to và 4 bánh bé nhân yến sào, vi cá, nhân sâm giá 1.280.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Yến, một khách hàng tại Hải Phòng cho biết: “Do người Hải Phòng từ xưa đến nay đều quen dùng các loại bánh truyền thống và được coi là đặc sản của thành phố như: Đông Phương, Thanh Lịch, Kim Thanh, Như Ý… nên ít quan tâm đến các thương hiệu bánh khác. Bên cạnh đó, khách hàng e ngại, việc bày bán bánh trung thu sớm như vậy thì vấn đề dùng chất bảo quản trong bánh như thế nào?!".
Thương hiệu bánh truyền thống hút khách
Cầu Đất là con phố với nghề làm bánh Trung thu truyền thống, nổi tiếng Hải Phòng với những thương hiệu có hàng chục năm tuổi đã nhộn nhịp với hoạt động trưng bày và bán sản phẩm từ giữa tháng 8/2019 đến nay.
Tuyến phố Cầu Đất luôn tắc đường cục bộ do khách hàng tập trung tại các cửa hàng bánh trung thu truyền thống. (Ảnh: Quang Chiến)
Tại các cửa hiệu bánh trung thu truyền thống như Đông Phương, Thanh Lịch, Kim Thanh… khách hàng lúc nào cũng xếp hàng, nườm nượp để đặt mua bánh. Do đó, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường cục bộ.
Năm nay, Công ty TNHH bánh mứt Thanh Lịch (số 162 Cầu Đất, Ngô Quyền, Hải Phòng) tiếp tục đưa ra thị trường dòng bánh mang hương vị truyền thống với nhân bánh cổ truyền thập cẩm như: vừng, lạc, xá xíu, lạc sườn, jambon, trứng mặn. Giá bình quân từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc, hộp 4 bánh vừa bánh dẻo và bánh nướng có giá từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng. Đối với dòng bánh cao cấp nhân thập cẩm như: vi cá, yến sào, bào ngư,… có giá từ 1,5 triệu đồng đến 2,2 triệu đồng/hộp 6 bánh.
Ông Lê Bình Nhuận, chủ Cơ sở sản xuất bánh Thanh Lịch cho biết: “Bánh nướng của Thanh Lịch có đặc điểm là vỏ mỏng, giòn tan, thơm mùi lá chanh, nhân có lạp xưởng béo ngậy và thơm phức. Để có được những chiếc bánh ngon thì nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng. Nguyên liệu làm bánh nướng nhất thiết phải có mỡ phần, mứt bí, lạp xưởng, hạt sen, vừng trắng, lạc rang, lòng đỏ trứng gà để phết lên bề mặt bánh nướng trước khi cho vào lò tạo ra màu vàng rộm. Đặc biệt, không thể thiếu lá chanh thái chỉ, rất mỏng, dậy mùi.
Còn bánh dẻo, phải làm từ gạo nếp rang, xay, nhào bằng nước cốt hoa bưởi, nhân cũng giống nhân bánh nướng nhưng không có mỡ, lá chanh, hoặc nhân chay là đỗ xanh xay nhuyễn. Nhân bánh dẻo đặc biệt cũng phải ướp nước cốt hoa bưởi như vỏ bánh…
Mẫu mã sản phẩm của chúng tôi không có nhiều thay đổi so với trước nhưng được chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng để giữ khách hàng. Chúng tôi đã nghiên cứu lại phương thức pha chế nhân để giảm vị ngọt, sử dụng nhân bánh tươi, không dùng chất bảo quản. Với uy tín sẵn có từ nhiều năm, nên bánh Thanh Lịch được bán quanh năm cho các đám cưới, đám hỏi, lễ hội. Vào dịp trung thu, khách hàng thường đặt bánh từ trước nửa tháng”.
Một số mẫu sản phẩm mới của bánh Thanh Lịch. (Ảnh: Quang Chiến)
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại Như Ý – Cát Tường (tại số 68 Cầu Đất) cũng cung cấp ra thị trường các mẫu bánh truyền thống. Ngoài các khuôn bánh lớn có khối lượng 1400g như bánh Trung thu Rồng to giá bán: 800.000 đồng/hộp, cá chép 800g với giá bán 400.000 đồng/hộp thì công ty cũng cung cấp mẫu bánh nhỏ, đóng hộp quà biếu theo xu hướng của người tiêu dùng. Giá dao động từ 35.000 đồng đối với mẫu bánh 150g.
Bà Lại Thị Thu Hiền - Chủ cơ sở bánh Kim Thanh trao đổi với PV. (Ảnh: Thu Trang)
Theo bà Lại Thị Thu Hiền – chủ Cơ sở bánh ngọt Kim Thanh (số: 148 Cầu Đất), việc đầu tư mạnh về mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm nhằm tạo ra sự khác biệt. Ngoài việc dùng nguyên liệu tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở cũng chú trọng đến việc đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm.
Sản phẩm bánh cao cấp của Kim Thành. (Ảnh: Thu Trang)
"Trào lưu tiêu dùng một số dòng bánh nhập khẩu và bánh handmade được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội với nhiều hình thức bán hàng đa dạng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các hãng bánh trung thu truyền thống, nên năm nay, chúng tôi đẩy mạnh quảng cáo trên Facebook, tuyển thêm đội ngũ ship hàng đến tận nhà khi khách đặt hàng", bà Hiền chia sẻ.
Bánh mứt Đông Phương (số 172 Cầu Đất) là thương hiệu bánh trung đặc sản của Hải Phòng được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Từ nhiều ngày qua, lượng khách hàng đến mua bánh rất đông, có lúc lên đến trên 100 khách hàng xếp hàng, tràn ra vỉa hè và lòng đường Cầu Đất. Các nhân viên phải hoạt động hết công suất mới kịp phục vụ khách hàng.
Nhân viên cửa hàng bánh Đông Phương luôn hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng (Ảnh: Quang Chiến)
Bà Đặng Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH bánh mứt Đông Phương cho hay, 100% nguyên liệu như bí, lạch, vừng, thịt gà, thịt lợn, Jambon, lạp xưởng… đều được lựa chọn từ các nhà cung cấp uy tín, chất lượng nhất trên thị trường. Các khâu làm nhân bánh đều do chuyên gia kỹ thuật của gia đình tự tay pha chế, tạo hương vị theo bí kíp truyền thống. Giá bán của Đông Phương cũng thấp hơn các hãng, dao động từ 45 – 50 ngàn đồng/chiếc; bánh cao cấp nhân vi cá mập, yến sào, bao ngư có giá 200.000 đồng/chiếc loại 200g; bánh Rồng, bánh Cá loại 1kg phục vụ cho các mâm cỗ trung thu tập thể có giá 650.000 đồng.
"Để chống hàng giả, hàng nhái, chúng tôi chỉ bán tại 1 điểm duy nhất là 172 Cầu Đất, Hải Phòng và không mở bán đại lý", bà Hương khẳng định.
Quang Chiến – Thu Trang