Theo nội dung bản án số 20/2014/KDTMPT ngày 28/2/2014 của Toà Phúc thẩm- TAND Tối cao tại Đà Nẵng cho biết: Nguyên đơn khởi kiện là Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam (NHCT) và bị đơn là Công ty TNHH Doanh Ngân- Huế (CTDN). Nội dung khởi kiện là “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Theo đơn khởi kiện ngày 24/9/2011 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 27/10/2011, NHCT cho biết: Ký 03 HĐ tín dụng với CTDN (Romance- 2007/NHCT ngày 28/11/2007; DN- 1020/NHCT ngày 4/10/2010 và DOANHNGAN- 122010 ngày 30/12/2010) với tổng số tiền 60.199.601.888 đồng. Tính đến ngày 28/10/2013 CTDN đã trả 170 triệu; tổng nợ gốc và lãi mà CTDN nợ NHCT là 88.068.797.175đ. Để đảm bảo khoản vay này CTDN đã thế chấp NHCT khách sạn Romance và 4 thửa đất (Thửa số L6E, diện tích 143,2m2; nhà đất thửa 141, diện tích 384m2; thửa đất số 146, diện tích 43,3m2 và thửa đất số 147, diện tích 122,2m2). NHCT cho biết, tất cả hợp đồng tài sản thế chấp đều được công chứng tại Phòng Công chứng số 01, tỉnh Thừa Thiên- Huế có tổng giá trị 127.994.200.000 đồng
Hợp đồng thì vậy, nhưng đến thời điểm trả nợ NHCT thì công ty Doanh Ngân không thể trả được vì 02 lý do. Thứ nhất, CTDN không chấp nhận cách tính lãi của NHCT; thứ hai và quan trọng nhất là tài sản thế chấp ngân hàng không phải của CTDN mà đây là tài sản cá nhân của người ngoài công ty.
Cụ thể, tài sản mà công ty Doanh Ngân mang thế chấp NHCT, có 02 khối tài sản (Thửa đất L6E và thửa đất số 147) đứng tên 02 người là ông Nguyễn Nhật Huy- bà Phùng Tiểu My và 02 khối tài sản khác (Nhà đất tại thửa đất 141 và thửa đất số 146) đứng tên 04 người là vợ chồng ông Nguyễn Nhật Huy- bà Phùng Tiểu My và vợ chồng ông Vũ Quang Hải- bà Phùng Uyển Trinh. Theo trình bày của bà My, mặc dầu bà có đồng ý dùng tài sản của vợ chồng góp vốn vào công ty để phục vụ kinh doanh tại CTDN gồm 02 thành viên (trong đó chồng bà là ông Nguyễn Nhật Huy làm giám đốc và ông Vũ Quang Hải). Nhưng tại thời điểm bà góp vốn bằng tài sản thì CTDN không ghi thêm tên bà vào danh sách thành viên của công ty; không ký uỷ quyền cho CTDN lấy tài sản của hai vợ chồng thế chấp NHCT; CTDN không được Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Thừa Thiên- Huế xác nhận có quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất các tài sản mang thế chấp này.
Việc Phòng công chứng số 01 xác nhận đây là tài sản của CTDN và NHCT chấp nhận lấy tài sản không phải của CTDN cho thế chấp là hoàn toàn sai trái, thiếu kiểm tra, không đúng qui định của pháp luật. Vì tất cả tài sản này đều còn đứng tên cá nhân chứ chưa chuyển đổi tên sang tư cách pháp nhân CTDN.
Vì vậy, phán quyết của phiên sơ thẩm, TAND tỉnh thừa Thiên- Huế không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà My đòi tuyên vô hiệu 04 hợp đồng thế chấp của công ty Doanh Ngân với NHCT là không đúng vì căn cứ vào Luật Doanh nghiệp và cả Luật Dân sự thì đây không phải là tài sản của công ty Doanh Ngân
Qua xét hỏi và các chứng cứ, tài liệu kèm theo, Toà phúc thẩm, TAND Tối cao tại Đà Nẵng cho rằng, quá trình thụ lý, giải quyết của Toà sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Quan trọng nhất về nội dung thì: Việc góp vốn (vợ chồng ông Nguyễn Nhật Huy- Phùng Tiểu My) với CTDN không hình thành pháp nhân mới nên về mặt pháp lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất vẫn thuộc về vợ chồng ông Nguyễn Nhật Huy- Phùng Tiểu My và Vũ Quang Hải- Phùng Uyển Trinh. Do vậy khi công ty Doanh Ngân dùng tài sản này thế chấp ngân hàng phải được sự đồng ý của người góp vốn bằng hợp đồng thế chấp hoặc văn bản uỷ quyền. Thế nhưng điều này hoàn toàn không có khi các hợp đồng thế chấp tài sản chỉ có một bên là NHCT (Huế) và một bên là công ty Doanh Ngân. Sai phạm nữa là trong thực hiện thế chấp tài sản, NHCT (Huế) và CTDN tự ý định giá để nâng giá trị tài sản lên cao hơn để tiếp tục vay vốn mà không có ý kiến của người góp vốn là không thể chấp nhận được
Với những phân tích trên, Toà Phúc thẩm, TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm “Kinh doanh thương mại- Tranh chấp Hợp đồng tín dụng” của Toà sơ thẩm, TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế và đề nghị xét xử lại.
Liên quan đến vụ án này, ngày 16/12/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên- Huế có công văn số 880/CV-ĐKKD cho biết: Khoản 1, điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2020 qui định, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ khi tăng vốn góp của thành viên hoặc tiếp nhận thành viên mới. Đồng thời điều 47 qui định, thời điểm góp vốn đủ phải cấp giấy chứng nhận thành viên mới; điều 31 qui định doanh nghiệp phải thay đổi nội dung giấy chứng nhận doanh nghiệp khi có thành viên mới, vốn góp… Nhưng ở đây CTDN không ghi thêm tên thành viên mới; không tăng vốn điều lệ; không thay đổi Giấy chứng nhận doanh nghiệp; không thay đổi tư cách pháp nhân trong khối tài sản chung của 04 người mà tự ý mang thế chấp ngân hàng và Ngân hàng Công Thương (Huế) lại chấp nhận chuyện thế chấp này là hoàn toàn sai qui định pháp luật.
Được biết, TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế dự kiến cuối tháng 12/2021 sẽ tổ chức xét xử lại từ đầu vụ án “Kinh doanh thương mại” này. Tuy nhiên ngày 7/12/2021, bà Phùng Tiểu My có đơn gửi Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế đề nghị thay đổi thẩm phán Trần Hưng B…Lý do, bà My cho rằng, thẩm phán B.. có dấu hiệu không khách quan vì trong quá trình thụ lý, bà không hề nhận được giấy triệu tập lấy lời khai, cung cấp chứng cứ, tiếp cận công khai chứng cứ, trình bày ý kiến với thẩm phán và ngân hàng… trong lúc phiên xử sơ thẩm thì gần diễn ra. Điều này lập lại như phiên sơ thẩm lần trước đã bị Toà phúc thẩm, TAND Tối cao bác bỏ vì “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Từ thực tế nhiều vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” đưa ra xét xử có mẫu số chung là cán bộ ngân hàng được giao trách nhiệm thẩm định tài sản doanh nghiệp thế chấp vì lý do nào đó đã bỏ qua nhiều thủ tục, thậm chí đánh giá sai giá trị tài sản dẫn đến khi có tranh chấp rất khó khắc phục ở các cấp xét xử. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc xét xử công khai, minh bạch của Toà án chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các ngân hàng, tránh thông tin lâu nay nhiều doanh nghiệp mặc định “Ngân hàng bao giờ cũng đúng và Toà án luôn đứng về phía ngân hàng”.
Trần Minh- Văn Đức