“Chọn người đứng đầu tốt thì cả hệ thống sẽ tốt” - Hình 1

Quang cảnh hội nghị

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết: Hiện đề cương Đề án được chuẩn bị khoa học, nghiêm túc, toàn diện, đề xuất được nhiều nội dung mới về mục tiêu, quan điểm, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận về những kết quả đã đạt được trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong những năm qua, chỉ rõ những yếu kém, hạn chế và nguyên nhân của vấn đề, trên cơ sở đó đóng góp ý kiến khá toàn diện trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.

Theo ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong đề án, vấn đề đáng quan tâm là cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cán bộ từ thứ trưởng, bộ trưởng và tương đương trở lên). Vì vậy, đề án khoanh vùng 2 nhóm cán bộ này, trong đó nhấn mạnh vai trò người đứng đầu. “Chọn người đứng đầu tốt thì cả hệ thống tốt. Người đứng đầu tốt sẽ chọn người cấp phó tốt, người đứng đầu không tốt khó chọn cấp phó tốt”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chính, trong nhiệm kỳ này, cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn việc xây dựng đội ngũ cán bộ.“Có đội ngũ này tốt, xuất sắc sẽ xoay chuyển tình hình. Muốn có đội ngũ này thì phải có công tác cán bộ tốt”, ông Chính nói.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu một số nội dung mang tính đột phá, trong đó tập trung vào việc phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài và đánh giá cán bộ. “Chúng tôi đề nghị đánh giá cán bộ đa chiều, trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh giá ra, ngoài đánh giá vào; đánh giá liên tục hàng tuần hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, lượng hoá đánh giá. Ví dụ, bí thư tỉnh uỷ, bộ trưởng thì sản phẩm như thế nào, năm thứ nhất sản phẩm gì, năm thứ 2 sản phẩm gì, sau 5 năm có sản phẩm không”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu.

Giải pháp đột phá thứ 3, theo ông Phạm Minh Chính là kiểm soát quyền lực, sàng lọc phân loại và thay thế. Hiện chúng ta chưa kiểm soát tốt quyền lực nên sử dụng không đúng, xem quyền lực như là của mình rồi ban phát, xin - cho.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng cho hay, tại các hội nghị trước, nhiều bí thư tỉnh uỷ thống nhất rất cao về việc bí thư tỉnh uỷ không phải người địa phương.

“Qua xử lý các vụ việc vừa rồi cho thấy, bí thư tỉnh uỷ là người địa phương có cái tốt là hiểu biết tình hình, truyền thống địa phương, nhưng có cái khó là có nhiều ràng buộc. Con mình thế nào, cháu mình thế nào rồi bạn học mình nhờ giúp thì thế nào?”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói.

Thanh Bình