Tràn lan hàng kém chất lượng
Cuối tháng 1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Covid-19, đã khiến nhiều người lo lắng, hoang mang.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh nóng hơn bao giờ hết, trước nguy cơ của dịch bệnh và sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng, vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và các loại thuốc tăng cường miễn dịch... một số cá nhân, cơ sở đã gia tăng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn.Cộng dồn từ 31/1 đến 14/2, lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý 4.347 vụ vi phạm đến vật tư thiết bị y tế
Ghi nhận của PV, từ ngày 31/1 - 15/2, tại nhiều địa phương, đã xảy ra tình trạng “cháy hàng” khẩu trang do lượng khách mua quá đông. Một số cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế đã hét giá khẩu trang gấp 5 - 7 lần nhưng vẫn hết hàng.
Tăng giá một phần, chỉ vì lợi ích riêng của mình, để trục lợi, một số cá nhân đã sản xuất khẩu trang, vật tư y tế kém chất lượng, hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Điển hình, đầu tháng 2, lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty CP Dược phẩm Thiên Y Việt (Thái Bình) vì hành vi sản xuất nước rửa tay giả, lưu giữ hàng nghìn chai nước rửa tay cùng với khối lượng lớn tem mác, bao bì, dung dịch và dụng cụ pha chế nước rửa tay để bán ra thị trường.
Đáng chú ý, chỉ trong ngày 14/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra 27 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc trên địa bàn cả nước, phát hiện 27 cơ sở vi phạm, xử phạt 123.250.000 đồng, tạm giữ 73.036 chiếc khẩu trang. Tính từ 31/1 - 14/2, lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý 4.347 vụ vi phạm.
Tại cuộc họp liên ngành bàn về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Chánh Văn phòng thường trực BCĐ389/QG Đàm Thanh Thế lên tiếng, các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, đặc biệt là thiết bị y tế XNK ở cửa khẩu. Về đầu cơ, găm hàng, nâng giá, sản xuất hàng khẩu trang kém chất lượng, cần phải ngăn chặn, đấu tranh, không để nhóm người thừa cơ trục lợi, làm mất nhân cách, đạo đức.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để phòng ngừa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc rửa tay thường xuyên là một trong những biện pháp phòng tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chọn sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sẽ không đem đến kết quả phòng ngừa hiệu quả như mong muốn, chưa kể có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ban ngành “nóng” cùng dịch bệnh
Chính phủ ban hành nghị quyết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, trong đó nêu rõ: Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 vừa tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu KT-XH đề ra.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly, bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương coi công tác phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không được chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, dao động. Cần chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả mọi phương diện, sẵn sàng chấp nhận thiệt hại một phần kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; coi việc phòng chống dịch như “chống giặc”; có phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để dịch bệnh lây lan.
Bộ Y tế cho biết, sẽ phối hợp với các sở y tế xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, không gửi, hoặc gửi báo cáo không đúng thời hạn về tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh chia sẻ: “Tổng cục đã thành lập ngay Tổ thường trực phòng chống dịch Covid-19 nhằm điều hành công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước như công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý và đặc biệt là trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa do dịch Covid-19".
Sau khi triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiện tượng thu gom khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng đã giảm so những ngày trước.
Trang Nguyễn