Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo còn có Ban Chỉ đạo 389 một số bộ, ngành, địa phương; một số hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp cùng các cơ quan báo chí trung ương và thành phố.

Báo cáo tại hội thảo, Chuyên viên Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đỗ Văn Phung cho biết:

Bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử cũng ẩn chứa nhiều thách thức đối với các nhà quản lý, khi một số người vì lợi nhuận, vì nhận thức chưa đầy đủ đã lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử thực hiện hành vi mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm cho môi trường thương mại điện tử diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, một số thương nhân vẫn nhập và tiêu thụ với số lượng lớn nhưng cất dấu nơi khác, không trưng bày để bán mà nhằm mục đích luân chuyển hàng hoá về các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi thương mại điện tử chưa đáp ứng được do hệ thống giao nhận, ship hàng còn hạn chế. 

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng nêu rõ một số nguyên nhân chính trong thực trạng trên, đó là:

Hiện nay, nhu cầu dùng hàng giả thương hiệu vẫn còn nhiều, do nhận thức của người tiêu dùng chưa ý thức về sự ảnh hưởng khi sử dụng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, hàng hóa bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có mẫu mã đẹp, đa dạng phong phú, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng phù hợp nhu cầu tài chính một bộ phận người dân, đặc biệt đối với giới trẻ thích sử dụng hàng hiệu, hàng chính hãng nhưng tài chính hạn chế;

Do sự phát triển của thương mại điện tử hiện nay rất nhanh, trong đó việc quản lý các nền tảng có ứng dụng bán hàng của các nhà cung cấp hiện nay chưa chặt chẽ, chưa thực sự quan tâm kiểm soát chất lượng, thương hiệu loại hàng hoá được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử bán;

Việc xác thực, định danh các tài khoản mạng xã hội chưa triệt để; tình trạng mua bán tài khoản mạng xã hội diễn ra phổ biến ở các diễn đàn: mua bán tài khoản zalo, Tiktok, fanpage tràn lan. Dẫn đến việc điều tra, kiểm tra rất khó khăn, nếu có thì việc xử lý vi phạm không triệt để, do đối tượng vi phạm có thể mua tài khoản mạng xã hội khác tiếp tục vi phạm, hoặc xoá dấu vết nhanh chóng;

Kiến thức phân biệt hàng thật, hàng giả của người tiêu dùng còn ít về thông tin, ngại động chạm đến việc tố cáo, tố giác khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

Việc bảo vệ thương hiệu bị làm giả của các doanh nghiệp còn bị động, chưa bài bản, chưa chủ động phòng chống cũng như tính bền vững chưa cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước do tâm lý sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của doanh nghiệp;

Một số cơ chế chính sách còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng, chưa kịp thời so với tốc độ phát triển của xã hội. Bên cạnh đó có một số nhỏ cán bộ, công chức ở các cấp chưa coi trọng công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến việc thực thi công vụ chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hàng thật, hàng giả diễn biến phức tạp
Hàng thật, hàng giả diễn biến phức tạp

Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến giá trị chất lượng nguồn lao động, làm giảm cơ hội việc làm, làm suy yếu nền kinh tế và gây ra rủi ro cho sức khỏe và môi trường.

Theo đó, sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với giá thành siêu rẻ;

Sản xuất kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thất thu ngân sách từ thuế, phí, ảnh hưởng tài chính công, làm suy giảm khả năng đầu tư và các định hướng phát triển kinh tế của nhà nước và suy giảm niềm tin về đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

Hoạt động thương mại này là một dạng tội phạm gây ra sự mất an ninh, an toàn xã hội do không được kiểm soát về chất lượng, về nguồn gốc và có thể gây nguy hiểm về sức khoẻ, tài chính người tiêu dùng;

Sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT dẫn đến giảm giá trị của người lao động do với mức thù lao thấp hơn và không đảm bảo các chế độ, quyền lợi của người lao động;

Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm giảm khả năng đào tạo và phát triển vì quá trình lao động không tuân thủ các quy định về an toàn và chất lượng. Với môi trường làm việc như vậy, người lao động không được đào tạo khác của doanh nghiệp nhằm nâng cao chuyên môn sản xuất, cũng như ý thức, tư tưởng phát triển của doanh nghiệp đối với xã hội.

Năm 2023, cả nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm, trong đó, vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 5.464 vụ việc (tăng 48% so cùng kỳ). Đứng đầu về số vụ việc được kiểm tra, xử lý là Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, với 1.579 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 15,941 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 27,927 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thực hiện yêu cầu các sàn Tthương mại điện tử, các website ngăn chặn, hoặc gỡ bỏ, khoá tài khoản đối với 6.254 gian hàng, với 23.359 sản phẩm vi phạm, chủ yếu là hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các vụ việc khác được kiểm tra xử lý vi phạm là 1.133 vụ.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình thực hiện Chương trình hành động phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023: Các lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý, giải quyết 644 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bằng các biện pháp hành chính và khởi tố. Kiểm sát điều tra, xét xử 271 vụ, với 396 bị can, với tổng số tiền xử phạt trên 8,1 tỷ đồng. Đồng thời, các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã tịch thu, yêu cầu loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu huỷ hàng chục nghìn tang vật vi phạm...

Các đại biểu tham quan qian hàng trưng bày hàng hóa
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày hàng hóa

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh:

Chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống là vấn đề nan giải - là vấn nạn mà các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các địa phương tích cực tập trung nhiều giải quyết phòng chống. Đối với Hiệp hội VATAP coi đây là chức năng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hoạt động.

Thời gian qua, Hiệp hội VATAP đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần vào công tác phòng chống hàng giả; hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong công tác bảo vệ thương hiệu; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên và người tiêu dùng về quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này; Hiệp hội VATAP cũng hướng dẫn, khuyến khích hội viên tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tác dụng của công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, về tác hại của tệ nạn sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng nhái đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Hiệp hội VATAP cũng tổ chức những chương trình, sự kiện theo định kỳ hằng năm như: Kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4); Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11). VATAP cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp hội viên, tổ chức các chương trình hội thảo liên quan đến vấn đề phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… thu hút sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp.

Trong thời đại 4.0, sự phát triển của thương mại điện tử không chỉ đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp, nhằm đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Nhưng mặt khác, các nền tảng thương mại điện tử cũng là môi trường để vấn nạn hàng giả, hàng nhái xâm nhập và phát triển không kém gì thương mại truyền thống, thậm chí vấn đề kiểm soát và ngăn chặn còn khó khăn hơn, phức tạp hơn...

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đạt kết quả tích cực. 

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Thứ hai, tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu của các đơn vị chức năng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị liên quan; đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong thì hành công vụ;

Thứ ba, các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử; phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, trinh sát, nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả, không để hình thành đường dây, tụ điểm, điểm nóng về buôn lậu diễn ra tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện các hiệp hội, ngành hàng, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố phát biểu tham luận, đóng góp nhiều ý kiến và giải pháp đồng bộ, nhằm từng bước đẩy lùi vấn nạn này.

Nguyễn Kiên