Công văn có nội dung: Được sự đồng ý của Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc tại Tờ trình số 48/TTr-VPTT ngày 27/3/2024 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tổ chức Hội thảo chuyên đề “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống - thực trạng và giải pháp trong tình hình mới”.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch Số 50/KH-VPTT. Để kịp thời triển khai thực hiện kế hoạch trên, Văn phòng Thường trực đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành hàng phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung:
Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành trung ương: Xây dựng báo cáo về công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã thực hiện trong năm 2023; trong đó tập trung vào công tác dự báo tình hình, các giải pháp theo chức năng nhiệm vụ ngành, lĩnh vực được giao trong thời gian tới;
Thông tin việc tiếp nhận xử lý nội dung tại văn bản số 82/BCĐ389-VPTT ngày 28/7/2023 của Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia về rà soát, xử lý khó khăn vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (theo lĩnh vực ngành nếu có).
Đối với số liệu tổng hợp trong báo cáo không lấy số liệu của ngành dọc do các đơn vị báo cáo theo đầu mối Ban Chỉ đạo 389 các địa phương.
Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Xây dựng báo cáo về công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã thực hiện trong năm 2023, tập trung đánh giá thực trạng về vấn đề hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay trên địa bàn quản lý trong môi trường thương mại truyền thống, thương mại điện tử, đánh giá sự ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với thương mại truyền thống;
Đánh giá về phương thức, thủ đoạn đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó phân tích rõ môi trường thương mại nào thuận lợi cho các hành vi trên;
Thống kê số liệu vụ việc, số lượng hàng hoá, chủng loại hàng hoá đã kiểm tra, tạm giữ, xử lý nhưng tách thành 02 nhóm: Vi phạm trong thương mại truyền thống và vi phạm trong thương mại điện tử trong năm 2023;
Dự báo tình hình sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền thương mại truyền thống trong thời gian tới và các giải pháp cụ thể;
Những thuận lợi, khó khăn trong công tác chống hàng giả thời gian qua; trong đó nêu rõ khó khăn về cơ chế chính sách, về ứng dụng khoa học công nghệ, về chuyên môn nghiệp vụ và các đề xuất kiến nghị (nếu có);
Thông báo các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý tham gia trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp đã, đang và có nguy cơ bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (nếu có);
Chuẩn bị nội dung tham luận tại hội thảo đảm bảo đúng nội dung, chất lượng, gắn sát thực tiễn theo địa bàn với các giải pháp và kiến nghị cụ thể.
Tham gia trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả với nội dung phong phú, chất lượng và đúng thời gian.
Đối với các hiệp hội ngành hàng: Thông báo đến hội viên, các doanh nghiệp hội viên đăng ký tham gia trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp đã, đang và có nguy cơ bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, để tuyên truyền sâu rộng tới người tiêu dùng;
Chuẩn bị tham luận theo ngành, lĩnh vực hiệp hội hoạt động, kiến nghị các giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cụ thể sát với thực tiễn ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp hội viên...
Nguyễn Kiên