THCL Trên thực tế xuất hiện tràn lan hàng trăm cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả/kém chất lượng, nhái nhãn mác… song chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn.

Thiếu giải pháp hiệu quả

Các DN đang phải đối mặt vấn nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Trên thực tế xuất hiện tràn lan hàng trăm cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả/kém chất lượng, nhái nhãn mác… song chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn. Tình trạng vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa: Nhập nhằng trên bao bì có các nội dung là tiếng Anh, công nghệ Nhật, công nghệ Mỹ, chất lượng Mỹ… dễ làm cho nông dân hiểu lầm và khó phân biệt. Việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu độc quyền trong kinh doanh phân bón cũng có nhiều bất cập. Trên nhãn mác bao bì thiếu các thông số cần thiết của sản phẩm, thiếu hướng dẫn sử dụng và cảnh báo an toàn…

Theo ông Trần Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Hà Lan, ngoài tình trạng buôn lậu và trốn thuế diễn biến phức tạp, việc bãi bỏ chính sách thuế theo Luật 71/2014/QH13 VAT đối với phân bón làm cho giá thành tăng, nông dân càng chịu gánh nặng về chi phí đầu vào trong sản xuất. Giá phân thế giới có xu hướng giảm, việc điều chỉnh giảm thuế theo các hiệp định thương mại tạo điều kiện cho hàng ngoại tràn vào gây áp lực cho ngành sản xuất trong nước.

Nghị định 202/2013/NĐ-CP đã đưa việc kinh doanh phân bón trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, do đó đã hạn chế được phần nào các DN làm ăn nhỏ lẻ, manh mún. Đưa ngành sản xuất, kinh doanh phân bón vào khuôn khổ để quản lý, kiểm soát, từng bước lập lại trật tự ngành phân bón.

Các điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất phân bón cũng là tiền đề để các DN nghiêm túc xem lại mình, đầu tư bài bản hơn, tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào, ra.

Nghị định đã chỉ rõ trong công tác phân cấp quản lý các loại phân bón (Bộ Công thương quản lý phân bón vô cơ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác). Điều này làm tiền đề để khi xảy ra sự việc, các cơ quan quản lý không đùn đẩy trách nhiệm và cũng dễ hơn cho các DN khi muốn liên hệ giải quyết công việc.

Các DN đã ý thức được trách nhiệm của mình, hoàn thiện lại hệ thống quản lý cũng như đầu tư thêm trang thiết bị, con người nhằm quản lý tốt hơn trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh, qua hơn 2 năm Nghị định ban hành triển khai đi vào thực tiễn, vẫn còn tồn đọng một số bất cập.

Cụ thể, số lượng phòng thử nghiệm được chỉ định còn quá ít và phân bổ địa bàn không hợp lý làm khó khăn cho công tác khảo kiểm nghiệm. Thị trường phân bón còn tình trạng: Nhãn mác bao bì lạm dụng từ ngữ gây hiểu lầm cho nông dân, thậm chí ghi nhãn không đúng sự thật. Một số DN không được cấp phép sản xuất vẫn hoạt động bán hàng bình thường trên thị trường, cần có sự vào cuộc mạnh hơn của cơ quan quản lý nhà nước.

Quy trình chứng nhận hợp quy tốn nhiều thời gian, và chi phí. Thực trạng chứng nhận hợp quy cho 1 sản phẩm có thời hạn 3 năm và tốn chi phí 7 triệu/1sản phẩm, nếu DN có 100 sản phẩm thì trong 3 năm phải tốn 700 triệu đồng chưa kể chi phí in lại bao bì.

Việc quy định DN phải ký hợp đồng với đơn vị thử nghiệm phân bón được chỉ định là quy định đúng đắn nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, song việc thực hiện của các đơn vị sản xuất là chưa nghiêm túc, thậm chí có hợp đồng nhưng cả một năm chỉ kiểm một vài lần cho có lệ. Đơn cử như các đơn vị sản xuất bằng công nghệ phối trộn, họ chỉ sản xuất khi có đơn hàng và sản xuất xong là xuất kho ngay nên không đưa đi thử nghiệm chất lượng theo từng lô sản xuất và việc các DN gửi mẫu đi thử nghiệm cũng chỉ mang tính chất lấy lệ, không phản ánh đúng bản chất là kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường. Một số đơn vị ở các tỉnh lẻ xa xôi, kể từ khi gửi mẫu đến khi có kết quả mất cả tháng trong lúc sản phẩm đã bán tiêu thụ, hoặc nếu chờ kết quả thì thời gian tồn kho cho các DN nhỏ này là quá dài.

Một số đơn vị có đầu tư phòng thử nghiệm nội bộ để kiểm tra chất lượng cho chính DN mình nhưng khi đoàn kiểm tra của cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra thì bắt buộc DN phải làm thủ tục để được chỉ định. Việc này gây khó khăn cho DN vì DN đầu tư máy móc phòng thử nghiệm là đã rất tốn kém, việc duy trì hoạt động cũng mất rất nhiều nhân lực và tài chính.

Hà Thu