Những năm qua, việc khai thác và chế biến khoáng sản đã đóng góp nguồn thu lớn cho NSNN hàng năm, nhưng cũng làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và không tránh khỏi việc thất thu…
Bài 1: Nan giải chống thất thu
Hiện nay, khoáng sản vẫn “chảy đi” và thất thu thuế, phí tài nguyên đang trở thành một vấn đề bức xúc, nan giải.
Những kẽ hở…
Theo số liệu thống kê, khai thác dầu khí và khoáng sản đóng góp khoảng 25% tổng thu NSNN. Tuy nhiên, những đóng góp này được đánh giá là chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất gây ra đối với môi trường, xã hội. Chính sách quản lý hiện nay cũng chưa khuyến khích DN khai thác tài nguyên môi trường một cách tiết kiệm và hiệu quả. Hệ thống quản lý tài chính vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo kẽ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu.
Ảnh minh họa
Hiện nay, NSNN bị thất thu lớn nhất là từ thuế tài nguyên. Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Điều 4 Luật Thuế tài nguyên năm 2009, căn cứ tính thuế tài nguyên khoáng sản là sản lượng khoáng sản khai thác thực tế trong kỳ tính thuế. Tuy nhiên, sản lượng khai thác trong kỳ tính thuế do DN tự khai báo; cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ tiến hành thanh tra sản lượng khai thác thực tế khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đây chính là “kẽ hở” - một trong những nguyên nhân dễ gây nên thất thu ngân sách từ thuế tài nguyên khoáng sản.
Bên cạnh đó, cách tính thuế, phí dựa trên sản lượng khai thác như hiện tại khiến DN chỉ chú trọng phần tài nguyên có chất lượng cao, dễ khai thác, gây lãng phí tài nguyên quốc gia...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, trước những vấn đề đầu tư công thiếu hiệu quả, khủng hoảng ngân hàng và suy thoái kinh tế toàn cầu mà Việt Nam đang phải đối mặt, áp lực của các cơ quan tài chính về việc đảm bảo kế hoạch thu ngân sách cũng trở nên lớn hơn. Đây là một phần nguyên nhân khiến cho một số loại nguồn thu, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác tài nguyên đang được cân nhắc tăng.
Khó kiểm soát!
Sở dĩ xảy ra tình trạng nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về Luật Khoáng sản hoặc vì lợi ích cá nhân mà có hành vi khai thác khoáng sản bất hợp pháp, nhất là hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép, không phép, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, NSNN bị thất thu. Tuy vậy, công tác quản lý khoáng sản, đất đai tại các địa phương lại bị buông lỏng kéo dài và việc xử lý thiếu kiên quyết.
Theo ông Nguyễn Duy Thể, Phó cục trưởng Cục Thuế Bắc Kạn: Thu thuế trong lĩnh vực thuê đất, tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản luôn là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Thời gian qua, mặc dù đã có chỉ đạo các ngành, các cấp phải tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, trốn thuế, phá hủy môi trường nhưng việc quản lý thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện nay chỉ thực hiện được đối với các cơ sở có địa điểm cố định. Việc thu thuế và phí bảo vệ môi trường đối với các cá nhân trực tiếp khai thác cát, sỏi, đất, đá hầu như chưa quản lý được do địa bàn rộng, khai thác chủ yếu bằng thủ công, địa điểm không cố định, dẫn đến tình trạng không kê khai hoặc kê khai thiếu số lượng. Để chống thất thu thuế tài nguyên, đơn vị đã kiểm tra và phối hợp giám sát chặt chẽ nhưng chắc chắn việc thất thu ngoài con số các DN tự khai là khó tránh khỏi.
Các DN khai khoáng đang phải đóng các loại thuế, phí gồm thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập DN, thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, phí độc quyền thăm dò khoáng sản, phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc DN tự kê khai nộp thuế là phù hợp với nền quản lý tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn tới việc gian lận nguồn thu rồi dẫn tới sau một thời gian khai thác DN tư nhân “tuyên bố” phá sản hoặc lặng lẽ bỏ đi để chây ỳ nghĩa vụ nộp thuế, phí. Vấn đề này đặt ra bài toán phải làm tốt khâu hậu kiểm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh gian lận
Bài 2: Siết chặt cấp phép
Hoan Nguyễn