THCL Rượu giả, rượu lậu vẫn hoành hành trên thị trường, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Vấn đề sản xuất, tiêu thụ rượu thủ công chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, theo các quy định của Nghị định 94, làm ảnh hưởng đến việc quản lý thị trường rượu bia.
Hàng giả tràn lan
Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã thu giữ nhiều mặt hàng rượu, bia, nước giải khát làm giả, nhái, kém chất lượng. Cụ thể, đã thu giữ 28.500 chai rượu: Vi phạm về hàng nhập lậu 15.100 chai; rượu giả 6.120 chai, rượu kém chất lượng 1.850 chai; vi phạm khác 5.430 chai. Đã thu giữ 102.500 lon bia, nước giải khát: Vi phạm về hàng nhập lậu 85.635 lon; bia kém chất lượng 16.865 lon, 64.222 chai nước giải khát các loại…
Các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ; chai, kiểu dáng công nghiệp, tem nhãn bao bì vi phạm về điều kiện kinh doanh.
Thu giữ rượu giả
Nguyên nhân chính do hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuy đa dạng, phong phú nhưng nhiều chủng loại chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng; trong khi đó, hàng hóa của nước ngoài với mẫu mã đẹp, giá rẻ tạo cơ hội cho việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả tồn tại.
Do lợi nhuận cao từ sản xuất, buôn bán rượu - bia - nước giải khát giả lậu, kém chất lượng mang lại. Thêm vào đó, thói quen khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn… Trong khi lực lượng QLTT còn mỏng; công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…
Cần nhiều giải pháp
Vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động và sức mua tăng cao hơn, do các cơ sở kinh doanh thu mua dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Để ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm, gian lận thương mại đối với hoạt động kinh doanh rượu - bia - nước giải khát vào dịp cuối năm cần kết hợp nhiều giải pháp.
Trước hết, lực lượng QLTT cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP, Nghị quyết 41/NQ- CP của Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu trong tình hình mới, trong đó tập trung vào các mặt hàng trọng điểm là rượu, bia, nước giải khát.
Riêng đối với mặt hàng rượu, chú trọng hành vi vi phạm về sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng; hành vi buôn bán, kinh doanh rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước. Kiểm tra các DN, hộ kinh doanh, các điểm kinh doanh, dịch vụ như nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán bar, vũ trường…
Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện cam kết không sản xuất bia, rượu, nước giải khát giả, kém chất lượng; không kinh doanh, buôn bán bia, rượu, nước giải khát nhập lậu; rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ kịp thời về các trường hợp xử lý vi phạm trong kinh doanh bia, rượu, nước giải khát; cảnh báo cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ việc sử dụng bia, rượu, nước giải khát nhập lậu, giả, kém chất lượng; rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn việc buôn bán, kinh doanh bia, rượu, nước giải khát nhập lậu, giả, kém chất lượng; rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.
Triệu Hiền