Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ thức uống có cồn (bia, rượu…), trở thành thị trường tiêu thụ rất lớn. Gần đến dịp Tết nguyên đán, nhu cầu sử dụng rượu càng tăng cao. Rượu nội lép vế, nhường chỗ cho rượu ngoại… giả (?!).
Chông chênh rượu nội
Ngành sản xuất rượu thủ công Việt Nam đã có lịch sử rất lâu đời, người Việt nói chung rất phổ biến tập quán uống rượu, nhất là trong các ngày lễ, tết với quan niệm “vô tửu bất thành lễ; nam vô tửu như kỳ vô phong”…
Thực tế, nhiều quốc gia châu Á đã đưa tên tuổi của những thương hiệu rượu ngang tầm quốc tế. Nếu như Trung Quốc nổi tiếng với rượu Mao Đài, Hàn Quốc có rượu Soju, hay rượu Vodka đã trở thành một phần văn hóa nước Nga… thì Việt Nam chưa tìm ra được một thương hiệu đặc trưng cho dân tộc mình. Những thương hiệu truyền thống lâu đời như Nếp cái hoa vàng (Hà Nội), rượu làng Vân (Bắc Ninh), rượu Bầu Đá (Bình Định)… từng được tôn vinh như mỹ tửu của các vùng miền, nhưng vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, đồng hành với sự gia tăng về số lượng tiêu thụ, các sản phẩm rượu Việt lại đang tự đánh mất thương hiệu khi không kiểm soát được những nguồn rượu giả, rượu kém chất lượng đang xâm nhập vào thị trường. Những thương hiệu đình đám truyền thống dần mất chỗ đứng, thay vào đó là những cái tên nhập ngoại với giá cả cạnh tranh.
Tràn lan rượu giả
Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường đã khá sôi động và nhộn nhịp với nhiều loại rượu được bày bán. Nhu cầu sử dụng rượu cho các buổi liên hoan, biếu Tết trong dịp cuối năm tăng vọt, đặc biệt là rượu ngoại. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng, thị trường rượu ngoại trở nên phong phú và đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng lẫn giá cả. Tuy nhiên, do tâm lý “sính ngoại” mà người tiêu dùng không biết rằng, đa số rượu ngoại được nhập về từ Trung Quốc và đến “90% rượu ngoại có mặt trên thị trường là hàng giả”. Khi bán ra thị trường, các loại rượu này đều dán mác, tem đầy đủ.
Ngày 15/12, thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết vừa bắt giữ và tịch thu một lượng lớn rượu ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, ngày 11/12, Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Hà Tĩnh và Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp kiểm tra xe tải mang BKS 88H-6799, do ông Dương Văn Tình (Vĩnh Phúc) điều khiển, phát hiện trên xe chở gần 500 chai rượu ngoại gồm nhiều chủng loại như Ballantines, Jameson Iris Whiskey, Jose Cuervo, Martini Rosso… không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng. Việc cấp phép kinh doanh, sản xuất rượu quá nhiều, nhưng quản lý không chặt là điều kiện để rượu lậu, rượu giả len lỏi vào thị trường.
Khảo sát người tiêu dùng cho thấy, đa số nhận định hiện nay thị trường rượu ngoại đang trở nên “hỗn loạn” khi lượng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trà trộn vào hàng thật ngày càng nhiều. Đặc biệt, thời điểm cận Tết như hiện nay thì rượu giả càng bùng phát, cả về chất lượng lẫn quy mô. Theo ông Trần Hữu Hạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh thì những năm gần đây, rượu ngoại giả bày bán tràn lan trên thị trường, đơn vị đã bắt nhiều vụ sản xuất hàng giả, rượu dán sai tem, nhãn mác song vẫn chưa kiểm soát nổi.
Rất khó nhận biết…
Trên thị trường, những loại rượu như Chivas, Hennessy, Remy Martin thường được làm giả nhiều, giá thật lên tới hàng triệu đồng nhưng nếu giả thì chỉ bạc trăm. Những kẻ buôn rượu giả còn áp dụng phương pháp đánh tráo nhãn hiệu của những chai rượu có giá rẻ, thay thế bằng nhãn hiệu của những loại rượu có giá cao hơn. Thậm chí, còn tự pha chế rượu giả và đóng chai, phần trăm rượu thật chưa đến 50%. Hàng hóa cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu cho Nhà nước và điều đáng nói là ngộ độc xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng tới sức khỏe, gây bệnh tật, thậm chí tử vong… do rượu giả gây nên.
Thực tế, người tiêu dùng rất khó phân biệt vì nhiều loại rượu được làm giả tinh vi bằng cách dùng chai thật và thậm chí còn được đóng tem “chống hàng giả”. Vì vậy, để bảo đảm không mua phải hàng giả, hàng nhập lậu, người tiêu dùng nên chọn mua tại những cửa hàng làm đại lý phân phối cho các nhãn hiệu chính hãng.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về văn hóa ẩm thực nói chung, cũng như văn hóa dùng rượu nói riêng đòi hỏi chúng ta cần phải có một sản phẩm mang tính đặc trưng của dân tộc, bảo đảm được sức khỏe cho người tiêu dùng. Người dân Việt Nam vẫn đa phần chuộng rượu ngoại phục vụ nhu cầu hàng ngày. Vì vậy, một mặt, các cấp ban, ngành cần siết chặt quản lý rượu nhập ngoại để bảo đảm một thị trường cạnh tranh lành mạnh, bên cạnh đó, cần lựa chọn loại rượu truyền thống mang đậm hương vị Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt và nâng tầm sánh với các loại rượu quốc gia trên thế giới.
Mai Hoàn