Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Chủ động điều hành, quản lý nợ công

THCL Nợ công sẽ có khả năng gần “chạm” trần Quốc hội cho phép là 65% GDP vào cuối năm nay. Trong bối cảnh tăng trưởng giảm, ngân sách eo hẹp, nợ công đang trở thành vấn đề lớn. Liệu Việt Nam có thể giảm được nợ công hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào nỗ lực của Chính phủ.

Áp lực trả nợ lớn sẽ khiến kế hoạch chi trả nợ tiếp tục tăng cao

Tăng trưởng giảm, nợ công tăng

Báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi lên Quốc hội cho thấy bức tranh toàn cảnh của kinh tế năm 2016. Trong đó, vấn đề tăng trưởng, nợ công được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 nhiều khả năng không đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 6,3 - 6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%.

“Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến”, Chính phủ nhận định.

Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn sẽ khiến kế hoạch chi trả nợ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2017 - 2018.

Khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhiều cơ quan của Quốc hội cũng đặt mối quan tâm vào vấn đề ngân sách, nợ công.

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, kết thúc năm 2016, dư nợ công sẽ ở mức 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, đã vượt ngưỡng 50% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP.

“Bắt mạch” nợ công, TS. Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đánh giá: Dù chưa vượt trần chính thức, nhưng rõ ràng con số nợ công ở mức 64,9% vào cuối năm nay chỉ “đánh lừa thị giác” bởi nó không khác biệt với con số 65% GDP là bao. Cũng giống như trường hợp khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, dù có kìm nén đến một mức độ nào đó thì nợ công rồi cũng sẽ bung ra.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, tất cả các kịch bản dự báo cho thấy nợ công sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên trong tương lai với mức độ tùy thuộc vào triển vọng tăng trưởng kinh tế và nỗ lực cắt giảm bội chi ngân sách của Chính phủ.

Trước áp lực nợ công, trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016 - 2020, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm giảm dần thâm hụt ngân sách nhà nước xuống dưới 4% GDP vào năm 2020 (định hướng giảm xuống dưới 3% trong giai đoạn tiếp theo). Đồng thời, tăng cường quản lý và đảm bảo an toàn nợ công, duy trì nợ công không vượt quá 65% GDP.

Một trong những giải pháp đã được đưa ra đó là việc Chính phủ quyết dừng bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công.

Chủ động trong chỉ đạo, điều hành

Trước tình hình nợ công hiện nay, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối ngân sách nhà nước chủ động và kịp thời. Trường hợp ngân sách nhà nước hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng có mối lo ngại tương tự. Theo cơ quan này, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2016, sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng, xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỷ đồng (nếu tăng trưởng ở mức 6,3%).

Điều này dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn…

Liệu Việt Nam có thể giảm được bội chi ngân sách theo lộ trình cải cách tài khóa như cam kết hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào nỗ lực của Chính phủ.

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Thiên Anh Tuấn của Fulbright cho thấy, nếu nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức bình quân mỗi năm trên 6,5%, giữ lạm phát ổn định dưới 5% và lãi suất không quá 7%, đồng thời duy trì thâm hụt ngân sách theo lộ trình đề ra trong Chiến lược quản lý nợ công - sẽ giúp Việt Nam duy trì được nợ công ở mức ổn định và an toàn (bao gồm cả việc ngăn chặn tình trạng “vung tay quá trán” như lâu nay).

Chính phủ đã có đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%.

Trước đề nghị này, Ủy ban Tài chính của Quốc hội cho rằng: Việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ giai đoạn 2016 - 2020 cần đặt trong mối quan hệ tổng thể với Kế hoạch tài chính trung hạn và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời, phải bám sát và thể chế hóa Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Do đó, đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh NSNN còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011 - 2015 và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay. Đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP, có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53%, song đến năm 2020, đề nghị đưa về mức giới hạn 50%.

Giai đoạn 2011 – 2015, các chỉ số về nợ công tăng với tốc độ khá nhanh, tiệm cận ngưỡng cho phép, chưa kể một số khoản vay có tính chất nợ công, các khoản vay khác của NSNN chưa được tính vào nợ công. Do đó, việc Chính phủ đề xuất giữ nguyên mức trần nợ công giai đoạn 2016 - 2020 như giai đoạn 2011 - 2015 một mặt thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ trong việc giữ ổn định các chỉ số nợ công, ổn định an ninh tài chính quốc gia, mặt khác cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức để có thể duy trì được các chỉ số trong giới hạn.

Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2016, dư nợ sẽ vượt ngưỡng 65% nếu tính cả khoản 14.295 tỷ đồng phát hành thêm để bổ sung vốn cho các dự án trên tuyến QL1A và đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Nguyên theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội.

Do đó, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, Chính phủ cần dự báo, tính toán chỉ số tăng trưởng GDP ở mức an toàn để bảo đảm chắc chắn, tránh bị động trong quá trình điều hành ngân sách, cũng như ảnh hưởng không thuận tới tình hình vay, trả nợ. Đồng thời, cần xây dựng phương án dự phòng để bảo đảm chủ động trong chỉ đạo, điều hành trong trường hợp GDP không đạt kế hoạch đề ra, bảo đảm các chỉ số an toàn nợ công không vượt quá giới hạn được Quốc hội quyết định.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Dư địa ngân sách ngày một eo hẹp do chi thường xuyên và chi trả lãi, nợ gốc ngày một tăng cao; khoảng cách giữa chi thường xuyên và chi đầu tư ngày càng nới rộng”…

Bùi Quyền

Tin mới

Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế 21,7 tỷ đồng
Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế 21,7 tỷ đồng

Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế đạt 21,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 150,6 tỷ đồng.

Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi
Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi

Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi, trong đó chú trọng các dự án chăn nuôi theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống tới chế biến phân phối sản phẩm ra thị trường.

Việt Nam thu hút gần 9,27 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong 4 tháng
Việt Nam thu hút gần 9,27 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong 4 tháng

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20/4 đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%.

Vụ kiện lịch sử vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Vụ kiện lịch sử vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Tôi chiến đấu không chỉ cho bản thân mà cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và cả ở nước khác', bà Trần Tố Nga chia sẻ trước Phiên tranh tụng tại Tòa phúc thẩm Paris, ngày 7/5.

Bốn tháng đầu năm 2024: Có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD
Bốn tháng đầu năm 2024: Có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%, có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Nam Định xếp thứ 8 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước
Nam Định xếp thứ 8 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023. Theo đó, tỉnh Nam Định xếp thứ 8 cả nước, với mức thu nhập bình quân đầu người/tháng, đạt 5,5 triệu đồng.