Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, trong 8 tháng đầu năm 2021, nhờ có sự chủ động, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và trên thủy sản đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, số lượng đàn gia súc, gia cầm và quy mô thủy sản rất lớn nên ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng quan tâm.

Về thủy sản, tổng diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh khoảng 16.253 ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại lớn nhất, lên tới 15.698 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong thời gian tới, để tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh động vật và dịch bệnh COVID-19), các địa phương cần quan tâm tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn. Thực tế cho thấy, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cạn đã tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Hiện, tổng đàn gia cầm là 515 triệu con, đàn lợn 26,67 triệu con, đàn trâu bò tăng 1,8%.

Mặc dù kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra vào các tháng cuối năm còn rất cao. Đặc biệt, là dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục, bệnh trên tôm và cá tra.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp, cần chủ động phòng chống dịch bệnh tốt trên vật nuôi và thủy sản trong những tháng cuối năm, tổ chức sản xuất để đảm bảo lương thực từ nay đến cuối năm, đặc biệt chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn, giãn nợ, cơ chế chính sách để phục hồi sản xuất. Đặc biệt, các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho nông dân, người lao động làm trong các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Hà Trần