Nông thôn Việt Nam đổi thay sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức mới đây tại Nam Định, sau 10 năm triển khai, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; chương trình hoàn thành trước gần 2 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đề ra mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường.

Nguồn vốn Agribank đầu tư phát triển “Tam nông” của Agribank hiện chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt NamNguồn vốn Agribank đầu tư phát triển “Tam nông” của Agribank hiện chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam

Để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo “Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện. Đề án đã lựa chọn 11 xã điểm tại 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng khác nhau của đất nước để tổ chức triển khai thực hiện.

Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, các ngành, các thành phần trong xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Qua gần 10 năm triển khai, Chương trình đã huy động được nguồn lực lớn, đến 2,4 triệu tỷ đồng, trung bình mỗi năm huy động tương đương 10 tỷ USD cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội. Nhờ đó, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn... Sản xuất nông nghiệp được thúc đẩy phát triển, hình thành và củng cố chắc chắn thế mạnh các ngành hàng trụ cột: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản với 3 trục sản phẩm, nhóm sản phẩm quốc gia với trên 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.

Nông nghiệp Việt Nam thuộc Top đầu châu Á về kim ngạch xuất khẩu. Cải thiện một cách tích cực đời sống của người dân khu vực nông thôn. Thu nhập người dân vào thời điểm năm 2009 là 9,7 triệu đồng/người, đến cuối năm 2018, con số này đạt 35,9 triệu đồng/người, tăng 3,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% (năm 2009) xuống còn trên 4% hộ nghèo vào cuối năm nay.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự đã tạo ra một bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. 

Đóng góp tích cực từ ngành Ngân hàng và Agribank

Thành công của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 có sự đóng góp, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Ngân hàng, trong đó có Agribank.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực “Tam nông” (Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hiện nay tối đa là 6,5%/năm;

Thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; chỉ đạo các TCTD từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân…).

Bên cạnh đó, NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội khác để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng. Dư nợ cho vay xây dựng NTM tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng 24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc).

Tính đến 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trong toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10 triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm 2010. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng 48,6% giai đoạn 2010-2015 và ước đạt tỷ trọng trên 50% giai đoạn 2016-2020 trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

Agribank cùng ngành ngân hàng có đóng góp rất quan trọng vào thành công phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”Agribank cùng ngành ngân hàng có đóng góp rất quan trọng vào thành công phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”

Riêng Agribank, phát huy vai trò của NHTM chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, nhận thức rõ tầm quan trọng, cùng “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong cả nước, là NHTM duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng; đến nay, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên toàn quốc và thực hiện cho vay chương trình này với doanh số là 2.868.290 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.387.151 tỷ đồng, dư nợ là 481.138 tỷ đồng, tại 8.939 xã với 2.620.578 khách hàng.

Nguồn vốn Agribank tập trung chủ yếu đầu tư sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm dịch vụ của Agribank rất đa dạng, phong phú và luôn được đổi mới, cải tiến phù hợp với môi trường, điều kiện và dân trí khu vực nông thôn. Agribank tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, tập trung cho vay, đảm bảo an toàn, hiệu quả vốn tín dụng đầu tư.

Mặc dù là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc, dự kiến phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 10% được công nhận huyện, thị xã nông thôn kiểu mẫu; có ít nhất 9 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đặc biệt chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020…

Agribank quyết tâm cùng hệ thống chính trị xây dựng Nông thôn mới, phát triển đột phá nông nghiệp, nông thônAgribank quyết tâm cùng hệ thống chính trị xây dựng Nông thôn mới, phát triển đột phá nông nghiệp, nông thôn

Với quyết tâm cùng ngành ngân hàng và hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tiếp tục có những bước đột phá phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới, Agribank xác định đầu tư xây dựng nông thôn mới tiếp tục là một trong những chương trình tín dụng trọng tâm.

Agribank cũng mong muốn cùng hệ thống chính trị, đặc biệt người dân triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước đẩy lùi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tình trạng “được mùa rớt giá”…;

Có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay chính ở thị trường trong nước; Phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng, bởi nông nghiệp là lĩnh vực vốn có rủi ro thiên tai bất khả kháng cao…

Tổ chức thực hiện chính sách là khâu đặc biệt quan trọng, cần được phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và phải được tổ chức triển khai đồng bộ, chặt chẽ mới thành công. Từ thực tế nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Agribank mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong việc chuyển tải vốn, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến người dân, không ngừng đóng góp tích cực đối với quá trình xây dựng nông thôn mới.

Viết Chung