Mở đầu Đại hội, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động đã gửi lời xin lỗi tới cổ đông khi mà năm 2023 hoạt động kinh doanh không hiệu quả: “Trong năm 2023, tôi biết rất rõ hoạt động Tập đoàn không hiệu quả, nhưng rất nhiều nhà đầu tư không bán cổ phiếu, tiếp tục nắm giữ cho thấy niềm tin với Tập đoàn. Tôi dành lời cảm ơn rất chân thành đến với cổ đông. Nhà đầu tư cần hiệu quả nhưng 2023 không mang lại hiệu quả cho cổ đông, tôi đại diện Tập đoàn sẽ nỗ lực trong năm 2024 để tạo ra hiệu quả, mong muốn tạo ra giá trị cho doanh nhiệp, tạo ra lợi nhuận cho khoản đầu tư của cổ đông”.
Được biết, trong năm 2023, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu giảm 11%, về 118.280 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 96%, về 168 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 4% so với kế hoạch lãi 4.200 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm 23,1%, về 19%.
Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2024, Thế Giới Di Động đặt kế hoạch doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 2.400 tỷ đồng, tăng 13,29 lần so với thực hiện trong năm 2023.
Về phương hướng kinh doanh, Công ty sẽ thực hiện tái cấu trúc toàn diện “giảm lương - tăng chất” để tăng cường sức mạnh nội tại, sẵn sàng bứt phá cho giai đoạn tăng trưởng bền vững.
Đối với chuỗi Thế Giới Di Động (bao gồm cả Topzone) và Điện máy Xanh, nhóm này tiếp tục là trụ cột đóng góp khoảng 65% doanh thu và mang lại lợi nhuận chính cho Công ty trong năm 2024. Trong đó, Công ty sẽ nỗ lực duy trì tổng doanh thu nhờ tối ưu mạng lưới cửa hàng, tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng phục vụ để tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ, khai thác cơ hội và gia tăng thị phần ở những ngành hàng/nhãn hàng/phân khúc còn tiềm năng; ngoài ra, Công ty sẽ cải thiện hiệu suất kinh doanh và lợi nhuận tuyệt đối.
Đối với chuỗi Bách Hoá Xanh, chuỗi dự kiến đóng góp khoảng 30% doanh thu, chuỗi sẽ tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận từ năm 2024.
Trong đó, đối với chuỗi Bách hoá Xanh, Công ty sẽ mở mới cửa hàng có chọn lọc để đảm bảo hiệu quả; tiếp tục tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ như nâng cao chất lượng, sự an toàn, đảm bảo sản phẩm ổn định đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, tìm kiếm và khai các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng FMCGs; tối ưu chi phí, đặc biệt là chi phí kho vận, để có lời cả năm ở cấp độ Công ty.
Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, Công ty dự kiến tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hoà vốn trước ngày 31/12/2024. Trong đó, năm 2024, chuỗi nhà thuốc An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công.
Đối với chuỗi Avakids, chuỗi sẽ tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hoà vốn trước ngày 31/12/2024.
Và cuối cùng, đối với chuỗi EraBlue (kinh doanh tại Indonesia), chuỗi dự kiến tăng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần, trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia trong năm 2024.
Lên kế hoạch dùng tối đa 100 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu
Với kế hoạch trả cổ tức, Thế Giới Di Động đã thông qua kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng, dự kiến triển khai trong năm 2024.
Về kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2024 (ESOP), Thế Giới Di Động thông qua tỷ lệ phát hành tối đa 2% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến triển khai trong năm 2025. Trong đó, nếu tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận dưới 110% sẽ không phát hành; nếu tỷ lệ hoàn thành 120% so với kế hoạch sẽ phát hành với tỷ lệ 1,5%; và nếu tỷ lệ hoàn thành 140%, Công ty sẽ phát hành tỷ lệ 2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Và đặc biệt, Thế Giới Di Động cũng thông qua sẽ sử dụng tối đa 100 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu đang lưu hành, giảm vốn điều lệ, giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến triển khai trong năm 2024. Trong đó, Công ty sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm, giá mua… phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện thị trường.
Lý giải về việc mua lại cổ phiếu, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ: “Việc mua cổ phiếu quỹ nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, tăng giá trị cho cổ đông chứ không phải đẩy giá cổ phiếu, giá biến động cao hay thấp thì chúng tôi vẫn sẽ thực hiện. Như năm nay lãi 2.400 tỷ thì dùng khoảng 20% để mua cổ phiếu với giá trị 500 tỷ, bất chấp năm sau giá cổ phiếu lên như nào”.
Bán 5% vốn chuỗi Bách hoá Xanh cho CDH Investments
Trong Đại hội, liên quan tới thương vụ bán 5% vốn tại CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách hóa Xanh, đơn vị sở hữu chuỗi Bách hoá Xanh (kế hoạch ban đầu dự kiến chào bán 20% trên tổng số cổ phiếu đã phát hành) cho Công ty CDH Investments.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Đầu tư của Thế giới Di động cho biết: “Đây là phát hành sơ cấp và dòng tiền đi vào trực tiếp vào để bổ sung vốn dài hạn. Chúng tôi đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn, nhà đầu tư sẽ hỗ trợ kết nối với các nhà bán lẻ trong danh mục và hỗ trợ công ty về quản trị doanh nghiệp. Giá trị đầu tư được bảo mật”.
Được biết, CDH Investments do Chủ tịch Wu Shangzhi đồng sáng lập vào năm 2002 với tư cách là một trong những công ty cổ phần tư nhân sớm nhất của Trung Quốc, nổi tiếng với hoạt động giao dịch trong các ngành truyền thống như tiêu dùng và sản xuất trong những năm đầu.
Hiện CDH Investments đang quản lý tài sản trị giá hơn 27 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn vào nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất thế giới WH Group và nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Midea Group.
Về hoạt động của chuỗi Bách hóa Xanh, đơn vị này được thành lập từ năm 2015, tới tháng 12/2023 đã nâng số cửa hàng lên tới 1.698 cửa hàng. Trong đó, kết thúc năm 2023, chuỗi này lỗ năm thứ 8 liên tiếp, giá trị lỗ là 1.211 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế từ khi thành lập lên 8.605,96 tỷ đồng.
Doanh thu quý I/2024 tăng 17%, lên 31.500 tỷ đồng
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc tài chính cho biết Tập đoàn đạt doanh thu khoảng 31.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, Công ty vẫn đang soát xét dữ liệu và sẽ công bố thông tin chi tiết cuối tháng.
“Doanh thu cải thiện 17% với chính sách tái cấu trúc giúp hiệu quả hơn về chi phí, nhìn chung kết quả quý I/2024 khá khả quan”, ông Vũ Đăng Linh nhận định.
Chia sẻ về chuỗi Bách hoá Xanh, ông Vũ Đăng Linh cho biết: “Trong năm 2023, chúng tôi lỗ 1.200 tỷ đồng, chúng tôi đặt mục tiêu năm nay tối thiểu có lời”.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Trọng, CEO của chuỗi Bách hoá Xanh chia sẻ về kế hoạch mở rộng chuỗi Bách hoá Xanh: “Chúng tôi tập trung tăng trưởng doanh thu trung bình shop, tập trung mở rộng 100 shop. Cuối năm chúng tôi sẽ ngồi lại tính toán kế hoạch miền Trung và miền Bắc. Sau 3 tháng, Bách hoá Xanh đang đạt được kế hoạch, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được kế hoạch năm”.
“Khó khăn lớn nhất trong các năm trước trong tái cấu trúc đó là tải công việc rất lớn (work load) và làm sao thay đổi rất nhanh về chất lượng hàng hóa và dịch vụ để khách hàng chấp nhận. Lợi thế cạnh tranh không quá quan tâm đối thủ mà quan sát bản thân để khách hàng tín nhiệm hơn”, ông Phạm Văn Trọng nói thêm về khó khăn của chuỗi Bách hoá Xanh.
Hà Trần (t/h)