Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969)
Học để bồi dưỡng nhân tài
Trong điều kiện và hoàn cảnh nước Việt Nam vừa ra đời, gặp nhiều khó khăn, thù trong, giặc ngoài lăm le bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường.
Theo đó, trong “Thư gửi học sinh” ngày 5/9/1945, Bác viết:
“Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tất cả niềm tin, kỳ vọng vào thế hệ trẻ đối với tương lai phát triển đất nước:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”…
Giữa lúc tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc” - Bác vẫn khẳng định:
“Dù khó khăn đến mấy, cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt; có dạy tốt và học tốt, thì mới có đủ kiến thức cần thiết để có thể hiểu được tình hình chính trị, xã hội trong nước và quốc tế đang có diễn biến phức tạp, có ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc cách mạng của Nhân dân ta và cách mạng thế giới; đồng thời mới có thể tham gia vào công tác cách mạng một cách có hiệu quả. Học để bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp”.
Bác Hồ dạy:
“Học để hành, học với hành phải luôn đi đôi. Học mà không hành, tức là chỉ học thuộc lòng từng chữ để lòe thiên hạ - kiến thức ấy cũng vô ích. Hành mà không học, thì hành không trôi chảy”.
Phương châm giáo dục và học tập của Bác Hồ là cần phải toàn diện, kết hợp nhiều hệ thống giáo dục:
“Giáo dục trong nhà trường, dù tốt đến mấy, nhưng nếu thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội, thì kết quả cũng không hoàn toàn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương, Hà Nội 1961 (Ảnh: hochiminh.vn)
Người nêu:
“Tốt nhất - phải dạy cho học trò trí tự lập tự cường, trọng về môn tinh thần đạo đức; khuyên học trò tham gia sản xuất, biết kính trọng cần lao, tập cho họ quen lao khổ, có chí khí “tự thực ký lực” - không ăn bám xã hội”.
“Chúng ta phải xây dựng đội ngũ giáo viên tốt với những phẩm chất: Thật thà - yêu nghề; có đạo đức cách mạng; có chí khí cao thượng - “tiên ưu hậu lạc”; yêu thương các cháu như con em ruột thịt của mình; luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà phê bình và tự phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”, Bác chỉ rõ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Người nói, nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa.
Nhiệm vụ của nền giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của Nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới.
Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn - “trung với nước, hiếu với dân” - có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh; có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị
Đó là những người có tri thức và sức khỏe để trở thành những người chủ tương lai của đất nước - “những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”.
Những lời căn dặn cuối cùng…
Học tập là công việc - đòi hỏi mỗi người phải luôn tự trau dồi kiến thức của mình qua nhiều hình thức đa dạng; học mọi nơi, mọi lúc. Tự học tập và học tập suốt đời – Đó là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.
Bác Hồ lưu ý:
“Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học Nhân dân; không học Nhân dân là một thiếu sót lớn”.
Với Hồ Chủ tịch - học tập là một việc suốt đời, là một nhiệm vụ cách mạng. Xã hội ngày càng phát triển, công việc ngày càng nhiều, máy móc ngày càng tinh xảo, để không lạc hậu, không bị đào thải, phải không ngừng học tập.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc năm 1960 (Ảnh tư liệu)
Người nói:
“Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”. Sự học là vô cùng vì “dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải mình trước”!
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sỹ trên mặt trận giáo dục và là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”.
Người luôn có sự tin tưởng và mong muốn, các thế hệ học sinh không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện tốt để mai sau trở thành những người có ích cho Tổ quốc…
23 năm sau, nước ta trong điều kiện chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Với Bác, lúc này sức khỏe cũng đã yếu. Song, ngày 15/10/1968, Bác vẫn viết Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới.
Trong Thư, Bác tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu của nền giáo dục nước ta đó là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến:
Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam Anh hùng;
Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật;
Thứ ba, các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn.
Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt
Trong điều kiện đất nước hội nhập và toàn cầu hóa, các nhà giáo thường xuyên được tiếp cận với phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nắm bắt được những thông tin mới, đa dạng, nhiều chiều và hết sức phức tạp.
Mỗi cán bộ ngành GD&ĐT, mỗi thầy giáo, cô giáo, nếu không trang bị nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu thiếu hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về lịch sử đất nước và truyền thống văn hóa Việt Nam làm tiêu chuẩn để lựa chọn những thông tin có ích cho dân, cho nước, thì họ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, do mặt trái của toàn cầu hóa gây ra, làm suy yếu chất lượng nguồn lực trí tuệ của dân tộc.
Bởi lẽ, một trong những chức năng, nhiệm vụ của người trí thức nói chung, nhà giáo nói riêng chính là: Tuyên truyền văn hóa, giáo dục và đào tạo nâng cao dân trí, hình mẫu nhân cách cho xã hội!
Một khi có được bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng trước những tác động tiêu cực, họ chính là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, thực hiện công tác giáo dục truyền thống của dân tộc, lý tưởng, đạo đức cách mạng và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Bác Hồ với thanh niên (Ảnh tư liệu)
C. Mác đã nói “Bản thân nhà giáo dục, cũng cần phải được giáo dục”! Người thầy giáo, cô giáo, cần phải tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nhà giáo đó là:
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung với nước, hiếu với dân, để nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân - làm mục tiêu phấn đấu suốt đời, đồng hành với dân tộc tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh.
Đó chính là đạo đức cách mạng mà mỗi người trí thức nói chung, người thầy giáo nói riêng, phải rèn luyện thường xuyên, lâu dài. Và chỉ khi thực hiện được điều này, người thầy giáo, cô giáo mới vững vàng vượt qua trước mọi khó khăn, cám dỗ để làm tròn bổn phận.
Song hành cùng đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến phương pháp nêu gương của giáo viên, bởi:
“Một tấm gương sống, còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”; “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”; “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu”…
Chính vì vậy, tấm gương nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. Một tấm gương sáng của người thầy, sẽ có cả một thế hệ noi theo; ngược lại một hành vi xấu của người thầy, có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người.
Người thường dặn dò, các thầy giáo, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo; tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ, thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể...
Ý chí tự cường dân tộc
Nhà giáo là tấm gương cho Nhân dân, cho thế hệ trẻ của đất nước noi theo. Những người thầy giáo, cô giáo nêu gương rõ nét nhất khi có trách nhiệm đi tiên phong trong việc tự học, tự nghiên cứu nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được phân công.
Đây không chỉ là một trong những đặc thù của người trí thức. Mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó còn là nhiệm vụ hàng đầu của trí thức, của nhà giáo - “chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.
Người thầy phải gương mẫu - thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong mọi công việc của cơ quan, đơn vị, công tác, được đoàn thể giao phó; làm việc hết sức mình, làm việc chất lượng, hiệu quả, năng suất.
Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục (Ảnh tư liệu)
Bản thân mỗi người thầy giáo, cô giáo, phải xây dựng cho mình một phong cách sống khiêm tốn, giản dị, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, không ham danh lợi, chức quyền.
Lối sống mẫu mực mà mỗi người thầy giáo, cô giáo thể hiện, không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, hình thành tác phong công nghiệp cho người lao động.
Chính những người thầy giáo, cô giáo đã đưa lối sống văn hóa thấm sâu vào từng người, trong mỗi gia đình, khu dân cư, công sở, doanh nghiệp..., góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng và phát triển đất nước.
Người thầy giáo, cô giáo, không chỉ chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa, trí tuệ của nhân loại, mà còn có trách nhiệm giới thiệu, thể hiện và phổ biến với loài người tiến bộ trên toàn thế giới về truyền thống văn hóa của dân tộc ta, tinh thần yêu nước của Nhân dân ta - đã được hun đúc qua hàng nghìn năm văn hiến.
Đó chính là sự kết tinh tinh thần và trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam - dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý, là người bạn đáng tin cậy cho sự hợp tác và phát triển.
Tất cả những giá trị đó, cần được thể hiện qua chính phong cách, lối sống, tư duy, hành động, chất lượng, hiệu quả của công việc mà mỗi trí thức đảm nhận trách nhiệm trước Tổ quốc và Nhân dân…
Có thể khẳng định, những quan điểm sáng tạo, tấm gương về tự học và học tập suốt đời và đổi mới về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh - chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong 37 năm đổi mới.
Những quan điểm đó, tiếp tục được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng:
“Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT;
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng GD&ĐT gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài;
Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.Những lời Bác dạy và tình cảm của Bác vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi đường cho ngành GD&ĐT phát triển, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Xuân Phong