Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Bích Nguyệt đã báo cáo kết quả tại hội nghị, thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong 10 năm qua, Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành 03 đề án (18 đề án thành phần); 20 cơ chế chính sách đặc thù phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo phù hợp với thực tiễn của Lào Cai; Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Lào Cai đã có bước tiến bộ vững chắc, đồng bộ từ vùng thấp đến vùng cao.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Dương Bích Nguyệt đã báo cáo kết quả tại hội nghị
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Dương Bích Nguyệt đã báo cáo kết quả tại hội nghị.

Năm 2015, tỉnh Lào Cai phê duyệt đề án quy hoạch trường, lớp. Theo đó đã sáp nhập 145 trường thành 71 trường, giảm 76 trường; sáp nhập 232 trường lẻ mầm non với tiểu học; xóa 92/41 điểm trường; đưa 19.380 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính. Chú trọng công tác phổ cập giáo dục: Năm 2013, tỉnh Lào Cai là 1 trong 7 tỉnh trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; giai đoạn 2022-2025 là tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm thực hiện PCGD mầm non cho trẻ em 4 tuổi. Hoàn thành trước 01 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV; tỷ lệ huy động trẻ ra nhà trẻ đạt 31%, mẫu giáo đạt 96,2% (riêng 5 tuổi đạt 99,9%). Phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chuẩn hóa giáo dục vùng cao.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và dạy; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ gắn với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia đạt nhiều chuyển biến tích cực, tăng dần về số lượng và chất lượng giải, đứng vị trí trong khoảng từ 15-20/63 tỉnh thành.. Thực hiện hiệu quả Phong trào trường giúp trường, phòng giúp phòng. Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến hết tháng 04/2023, toàn tỉnh có 398/602 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 66,1%).

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng. Từng bước thay đổi tư duy theo hướng chủ động, sáng tạo, tâm huyết và trách nhiệm.
Bên cạnh những kết quả đã thực hiện được, tỉnh Lào Cai còn tồn tại một số hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 như: Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết hiệu quả; Chất lượng giáo dục đại trà có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng dạy học liên môn chưa đáp ứng tốt yêu cầu dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Chất lượng dạy văn hoá, dạy nghề ở một số Trung tâm GDNN-GDTX chưa bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu; Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao..

Tại buổi làm việc các đại biểu các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ngành, đơn vị của tỉnh Lào Cai đã có những trao đổi các vấn đề về công tác quy hoạch trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên...

Đại diện đoàn khảo sát phát biểu ý kiến
Đại diện đoàn khảo sát phát biểu ý kiến.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao kết quả tỉnh Lào Cai đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29. Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Tỉnh Lào Cai đã Cai triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 một cách bài bản, có chiều sâu và khoa học. Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về đổi mới được địa phương, toàn ngành đẩy mạnh và đạt kết quả rõ nét. Nhiều mô hình của Lào Cai thể hiện tính sáng tạo, đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ giáo dục, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. Tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hoá, bởi không thể có chất lượng giáo dục như mong muốn nếu không có cơ sở vật chất đầy đủ; tiếp tục đầu tư có chiều sâu về đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên; Đầu tư phát triển chương trình giáo dục theo các cấp học, chương trình giáo dục địa phương; đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đỗ Biên