Dự lễ khởi công có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh và đông đảo Nhân dân trong vùng.
Theo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh, dự án xây dựng đường Vạn Thiện đi Bến En có quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe theo TCVN 4054-2005, chiều dài tuyến hơn 12 km, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua địa phận 2 huyện Nông Cống (xã Vạn Thiện và xã Thăng Long) với chiều dài 5,5 km (Km0-Km5+549) và huyện Như Thanh (xã Yên Thọ, xã Xuân Phúc và thị trấn Bến Sung) với chiều dài 6,6 km (Km5+549-Km12+176).
Điểm đầu km0+00 giao với đường nối cao tốc Bắc - Nam phía Đông với Quốc lộ 45 tại Km1+417,17 tại địa phận thôn Làng Mật, xã Vạn Thiện; điểm cuối km12+00 thuộc địa phận khu phố Tân Thành, thị trấn Bến Sung… Nhà thầu thi công dự án là liên danh các nhà thầu: Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung, Tổng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn, Công ty CP đầu tư Xây dựng và Thương mại Huy Hoàn, Tổng Công ty đầu tư xây dựng cầu đường - CTCP.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Vườn Quốc gia Bến En thuộc địa giới hành chính hai huyện Như Xuân và Như Thanh, cách TP. Thanh Hóa 45 km về phía Tây Nam, có diện tích tự nhiên gần 15.000 ha, với hệ sinh thái động thực vật đa dạng, phong phú, là điểm nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, do Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (SunGroup) thực hiện, với quy mô diện tích gần 800 ha, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Mục tiêu là xây dựng khu Bến En thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm Quốc gia và khu vực, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, du khách và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng lân cận; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đây là một trong những dự án có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch của Thanh Hoá.
Tuy nhiên, thời gian qua việc kết nối giao thông với Vườn Quốc gia Bến En chủ yếu thông qua Quốc lộ 45 và đường tỉnh 520, có quy mô nhỏ, dân cư sinh sống đông, tập trung dọc hai bên đường; việc nâng cấp, mở rộng rất khó khăn, kinh phí đầu tư lớn, là nút thắt trong việc khai thác, phát triển du lịch của khu vực.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Vườn Quốc gia Bến En, phục vụ phát triển du lịch và từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Vạn Thiện đi Bến En, trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 12 km.
Tuyến đường có vai trò quan trọng, tăng cường kết nối Vườn Quốc gia Bến En với mạng lưới giao thông khu vực, đặc biệt là kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển cho tỉnh về phía Tây Nam, là đòn bẩy phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững. Dự án sau khi hoàn thành là một trong những điều kiện rất quan trọng góp phần đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác kinh tế của khu vực phía Bắc theo tinh thần Nghị Quyết số 58-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đưa tuyến đường vào khai thác, sử dụng bảo đảm kỹ, mỹ thuật, chất lượng, tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông chỉ đạo các nhà thầu thi công nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực và kinh nghiệm, tập trung nguồn lực, nhân lực, máy móc, thiết bị, xây dựng tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, trong đó áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tổ chức thi công thành nhiều mũi, nhiều ca. Trong quá trình thi công luôn phải bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Các Sở Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với chủ đầu tư, khẩn trương giải quyết các công việc liên quan đến dự án, tham mưu kịp thời về bố trí vốn, các chế độ, chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng… Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương có dự án đi qua xây dựng phương án bảo đảm an ninh - trật tự cho toàn bộ khu vực triển khai dự án. Các huyện Nông Cống, Như Thanh tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, đồng thuận cao phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thi công dự án. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng để sớm ổn định đời sống của Nhân dân.
Lê Nam