Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.

Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Diễn văn nêu rõ; Trước yêu cầu của cách mạng, ngày 27/10/1962, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, thành lập tỉnh Hà Bắc. Đảng bộ tỉnh Hà Bắc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I từ ngày 16/10 đến ngày 25/10/1963. Với tình cảm, sự quan tâm đặc biệt dành cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh đã về dự và chỉ đạo Đại hội. Đây là lần thứ 5 Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà vinh dự, tự hào được đón Bác về thăm.

Dự và chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hà Bắc người đông, đất rộng, của nhiều, có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh”. Người đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết; Người nhắc nhở: "tất cả các cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho". Người căn dặn cán bộ, đảng viên "phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa và chuyên môn".

Người yêu cầu Tỉnh ủy "phải ra sức chăm sóc đến cơ sở đảng, phải củng cố chi bộ cho thật tốt”, "phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”,… Những lời dạy của Người là động lực cổ vũ, động viên to lớn, trở thành phương châm hành động, định hướng xuyên suốt dẫn dắt Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà vững bước trên con đường xây dựng và phát triển.

60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà luôn khắc ghi, thực hiện tốt lời dạy của Bác. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng; hăng hái thi đua, vừa chiến đấu vừa sản xuất; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, thực hiện thắng lợi khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “toàn tỉnh ra quân, toàn dân ra trận”, cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước; rồi sau đó tiếp tục cùng cả nước anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác, vận dụng sáng tạo vào các chủ trương, định hướng xây dựng phát triển địa phương, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Sau nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ kiên trì phấn đấu, nỗ lực vươn lên, tỉnh Hà Bắc trước đây và tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Từ một tỉnh thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Giang đã vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; thu hút đầu tư FDI luôn nằm trong tốp 10 cả nước.

Đặc biệt, công nghiệp phát triển mạnh, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã về đặt nhà máy tại Bắc Giang, tạo ra nhiều sản phẩm thương hiệu, chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Bắc Giang đang từng bước trở thành trung tâm công nghiệp lớn, hiện đại trong vùng và cả nước. Nông nghiệp phát triển ổn định; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; nhiều sản phẩm đã khẳng định thương hiệu, tiêu thụ thuận lợi trong nước và quốc tế; dịch vụ phát triển đa dạng.

Bắc Giang đã vươn lên nằm trong nhóm 8 địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Bắc Giang đã phối hợp tích cực với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều công trình giao thông quan trọng để tăng cường kết nối, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng và khu vực.

Tiết mục văn nghệ tại bổi lễ kỷ niệm.
Tiết mục văn nghệ tại bổi lễ kỷ niệm.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại ngày càng được đẩy mạnh.

Khắc ghi lời căn dặn của Bác, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, đồng thuận xã hội, niềm tin của Nhân dân, mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc.

Với những thành tích đạt được trong 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Cờ thưởng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ năm 1965; Huân chương Sao Vàng năm 1985; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010. Hàng nghìn tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng, trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước phát biểu, nêu rõ: Bắc Giang vinh dự, tự hào được 5 lần đón Bác Hồ về thăm. Trong các chuyến thăm ấy Bác đã ân cần chỉ bảo Đảng bộ và Nhân dân Bắc Giang phải đoàn kết một lòng, nâng cao tinh thần làm chủ,  phát triển sản xuất, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bác dạy mọi người “phải chung sức làm cho dân giàu nước mạnh, làm cho đời sống của nhân dân được cải thiện không ngừng, làm cho con cháu ta ngày càng sung sướng,... phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”, “lấy thành tích lao động sản xuất và lãnh đạo sản xuất” để “đánh giá tinh thần yêu nước và đạo đức cách mạng của mỗi người, cán bộ”… Tình cảm yêu thương, sự quan tâm và những lời chỉ dạy của Bác Hồ đối với Bắc Giang đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ dân và quân tỉnh nhà đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, giành được nhiều thành tích to lớn.

60 năm qua thực hiện lời Bác dạy, trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đóng góp nhiều sức người, sức của, chi viện cho tiền tuyến, vừa hăng hái sản xuất, vừa dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng quân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bước vào giai đoạn cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, năng động sáng tạo, có nhiều cách làm mới, coi trọng phát huy nội lực, phát triển đồng bộ 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, xuất khẩu luôn duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Bắc Giang đang dần trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Nông nghiệp phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; đã hình thành vùng cây ăn quả tập trung giá trị kinh tế cao, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới dẫn đầu vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, với gần 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy, gắn với phát triển du lịch; chất lượng giáo dục - đào tạo ngày càng được nâng lên, chăm lo tốt cho giáo dục con em dân tộc thiểu số. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là điểm sáng của cả nước, với nhiều cách làm hay. Luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống cho người có công, gia đình chính sách. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được được cải thiện, trong đó có vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, Bắc Giang hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ, là một trong những tỉnh phát triển năng động, đạt nhiều thành tựu, trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực, diện mạo tỉnh nhà thay đổi từng ngày, tràn ngập sức sống mới, khí thế mới. Những thành tựu đạt được trong 60 năm qua là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà trong thực hiện lời dạy của Bác kính yêu khi Người về thăm Bắc Giang.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích mà Đảng bộ và Nhân dân Bắc Giang đã đạt được trong những năm qua.

Bên cạnh đó Chủ tịch nước nêu thêm một số vấn đề, gợi ý để tỉnh Bắc Giang tham khảo trong thời gian sắp tới:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang hãy luôn ghi nhớ, thấm nhuần những lời dạy của Bác khi Người về thăm tỉnh nhà; thấu hiểu hơn ân tình sâu nặng mà Bác dành cho đồng bào, đồng chí tỉnh Bắc Giang để quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong cụ thể hóa lời dạy của Bác cho phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế của tỉnh, gắn với thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước vào năm 2025; trở thành một tỉnh “ngày càng giàu có, nhân dân ngày thêm ấm no” như Bác mong muốn.

Thứ hai, tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Quan tâm đầu tư hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hiệu quả cao. Phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và đô thị. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự buổi lễ kỷ niệm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự buổi lễ kỷ niệm.

Thứ ba, Bắc Giang là tỉnh miền núi, diện tích rừng và vùng cây ăn quả lớn, có nguồn tài nguyên phong phú, có 3 con sông nằm trong hệ thống sông Thái Bình chảy qua. Vì thế, phải hết sức coi trọng bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, coi trọng việc trồng cây và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, bảo vệ các dòng sông. Phải xác định đây là vấn đề sống còn đối với phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm những dự án, làng nghề, các khu, cụm công nghiệp và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Mỗi hành động, việc làm của chúng ta hôm nay trong bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên là của để dành cho con cháu mai sau có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thứ tư, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tỉnh cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, gắn với phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Thường xuyên chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân; chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công; giải quyết tốt an sinh xã hội; quan tâm xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân; phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là vùng miền núi, dân tộc; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để mọi người đều hưởng được thành quả của công cuộc đổi mới.

Thứ năm, là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, Bắc Giang phải chú trọng tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về mọi mặt; xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết triệt để các vấn đề an ninh phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, tổ chức đảng tỉnh Bắc Giang phải luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời Bác dạy về tầm quan trọng của “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”, “Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng phải đều đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho”, muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thực sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ.

Bá Đoàn (t/h)