Theo tài liệu nghiên cứu của Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Văn Phong, người nghiên cứu thư tịch Hán Nôm về chùa Kem thì “Chùa kem được khởi dựng vào năm Đinh Hợi (ước định năm 1527). Vị sư Tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế vốn theo dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập.

Chùa Kem - nét độc đáo của di tích lịch sử bên dãy núi Nham Biền - Hình 1

Chùa Kem hay còn được gọi với cái tên cổ kính Sùng Nham Tự

Đến thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1682), do bà Nguyễn Thị Đế, hiệu Diệu Nghiêm công đức tu bổ tòa Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Ngày 14 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), khởi công xây dựng tháp Thanh Phong ở phía Bắc núi Đẩu Sơn; dựng một tòa nhà cho sư Từ Hải soạn Kinh, một dãy ký túc xá đủ chỗ cho hàng trăm tăng, ni, Phật tử hằng năm về an cư kiết hạ, tụng kinh niệm Phật.

Năm Thành Thái thứ 18 (1906), sư trụ trì hiệu Đàm Tích cùng các Phật tử hưng công trùng tu tòa Tiền đường và Thượng viện”.

Ngôi chùa như một đóa sen thơm nở ngát hương giữa khe núi Biền Sơn. Dãy núi Biền Sơn được xem là một dãy núi sót của núi Huyền Đinh - Yên Tử trong quá trình tạo hóa từ thuở hồng hoang. Và Biền Sơn lại bị chia đôi bởi khe núi vắt ngang thành hai đoạn, sau này một đoạn gọi là Nham Biền.

Và từ bao đời nay, đây là nơi lưu giữ những hiện vật mang trên mình giá trị văn hóa lớn như hệ thống tượng Phật quy chuẩn, mõ cổ, bệ thờ, bát hương, lọ hoa, khay thờ bằng sành, sứ, gốm cổ,  cối đá giã gạo, cối đá để mài kiếm của nghĩa quân xưa, và vườn tháp, bia mộ, thư tịch…

Những dấu tích lịch sử được lưu giữ trên đất nhà chùa cho đến ngày hôm nay là một minh chứng lịch sử cho công cuộc dựng nước và giữ nước của ông cha ta, là nơi ghi lại dấu ấn đậm nét về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Chùa Kem - nét độc đáo của di tích lịch sử bên dãy núi Nham Biền - Hình 2

Chùa Kem - nét độc đáo của di tích lịch sử bên dãy núi Nham Biền - Hình 3

Quang cảnh xung quanh ngôi chùa

Đây cũng từng là căn cứ địa cách mạng của nghĩa quân Nguyễn Cao năm 1884 và Hoàng Hoa Thám năm 1906 -1908. Năm 1950, tại chùa Kem diễn ra cuộc họp Đại biểu quân sự liên xã Quang Trung- Yên Lư bàn kế hoạch chống càn. Đến năm 1951- 1952, chùa còn là nơi sơ cứu và nuôi dưỡng thương bệnh binh.

Một không gian u tịch, một khoảng trời thanh bình, thoáng đãng, một màu xanh của rêu phong  ngày hôm nay tại ngôi chùa này như đang khắc họa lại những câu chuyện lịch sử ngày hôm qua …

Theo lời kể của người dân địa phương thì lễ hội chùa Kem được tổ chức vào 3 ngày 11/6, 21/8 và ngày 21/10 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ về những công lao to lớn của các bậc anh hùng cũng như quảng bá rộng rãi đến với du khách thập phương về văn hóa du lịch sinh thái của vùng. Ngày 21/8 âm lịch là ngày hội chùa lớn nhất.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, chùa Kem được xếp hạng là một trong 23 điểm di tích và cụm di tích thuộc “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”. Và được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Nguyễn Loan