Các nhà khoa học cho biết, cần phải theo dõi chặt chẽ loại virus này vì các dấu hiệu có được cho thấy nó có khả năng thích nghi cao và dễ dàng lây nhiễm cho người.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ năm 2011 - 2018, các nhà nghiên cứu đã lấy 30.000 miếng gạc từ mũi lợn trong các lò mổ ở 10 tỉnh của Trung Quốc và 1 bệnh viện thú y, cho phép họ phân lập 179 virus cúm lợn. Đa số các virus đều thuộc loại mới và phổ biến trong các loại lợn từ năm 2016.

Các nhà nghiên cứu sau đó đã tiến hành các thử nghiệm khác nhau, bao gồm trên chồn – loài vật được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về cúm vì chúng có các triệu chứng tương tự như con người là sốt, ho, hắt hơi.

G4 được quan sát là có khả năng lây nhiễm cao, nhân bản trong tế bào của người và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở chồn so với các loại virus khác.

Những thử nghiệm cũng cho thấy những miễn dịch mà con người tạo ra khi nhiễm cúm mùa không chống lại được G4.

Theo xét nghiệm máu thể hiện kháng thể tạo ra khi con người tiếp xúc với virus, 10,4% công nhân làm việc tại trại lợn đã nhiễm bệnh.

Trước đó, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang tàn phá ngành chăn nuôi của Trung Quốc, nước có số lượng lợn nhiều nhất thế giới, "xóa sổ" 1/3 đàn lợn của nước này. Loại virus này vô hại với người nhưng gây tử vong cho lợn và chưa có thuốc chữa hay vắc xin. Dịch bắt nguồn từ châu Phi, được ghi nhận ở Đông Âu và Nga trước khi xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 8/2018, sau đó lan sang nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

PV