Áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng hơn trên thị trường khiến nhiều cổ phiếu chuyển sắc đỏ hoặc nới rộng biên độ giảm, trong đó điểm tựa VCB cũng không giữ nổi mốc tham chiếu và đã quay đầu điều chỉnh.
Thị trường khép lại phiên giao dịch cuối tuần không mấy khả quan khi số mã giảm điểm chiếm gấp hơn 3 lần số mã tăng, chỉ số VN-Index mất gần 10 điểm và lùi về vùng giá thấp nhất trong ngày, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp do bên mua vẫn quan sát và cho rằng đây chưa phải vùng giá tốt để “nhập hàng”. Điểm tích cực có thể thấy là lực bán tháo chưa xuất hiện và thị trường vẫn bảo toàn vùng giá 1.250 điểm, hiện đây đang là ngưỡng hỗ trợ cứng của VN-Index.
Đóng cửa, sàn HOSE có 86 mã tăng và 289 mã giảm, VN-Index giảm 9,59 điểm (-0,76%) xuống 1.254,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 580,5 triệu đơn vị, giá trị 14.790,4 tỷ đồng, giảm 5,5% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 1.203,25 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiêu cực hơn thị trường chung khi kết phiên giảm xấp xỉ 13 điểm khi có tới 25 mã giảm và chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh gồm SSB tăng 2,4%, BVH tăng 1,4%, SAB tăng 0,2%. Trong khi ở chiều giảm, có khoảng 1/2 số mã ghi nhận mức giảm từ 1% trở lên, với POW giảm sâu nhất là 2,9%, còn MSN tác động mạnh nhất khi lấy hơn 0,7 điểm của chỉ số chung, kết phiên mã này giảm 2,7%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, BCG vẫn là điểm nóng của thị trường. Mặc dù áp lực bán gia tăng trên toàn thị trường đã khiến BCG có thời điểm hạ độ cao đáng kể, nhưng lực cầu mạnh mẽ đã giúp mã này lấy lại đà tăng tốt. Kết phiên, BCG tăng 5,2% lên mức 6.700 đồng/CP, đứng trong top 10 mã tăng tốt nhất sàn HOSE.
Đặc biệt là giao dịch bùng nổ tại BCG đã giúp mã này xác nhận phiên thanh khoản đột biến, đạt hơn 23 triệu đơn vị, gấp gần 6 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây, trong bối cảnh thanh khoản thị trường èo uột. Ngoài ra, bên cạnh lực cầu mạnh từ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng tham gia nhiệt tình khi mua ròng hơn 1,4 triệu cổ phiếu BCG trong phiên hôm nay.
Ngoài BCG, cổ phiếu khác của họ là TCD cũng đóng cửa tăng 3,5%; hay một số mã bất động sản cũng đã ngược dòng thị trường chung thành công với giao dịch sôi động như DXG tăng 0,9% và khớp hơn 18 triệu đơn vị, mã lớn VHM đã giữ được mốc tham chiếu và khớp gần 17 triệu đơn vị, DIG tăng 1,2% và khớp gần 10 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, không còn sự hậu thuẫn của VCB, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã chuyển sang trạng thái giảm. Ngoại trừ duy nhất SSB bất ngờ tăng gần 2,5%, cùng BID giữ được mốc tham chiếu, còn lại đều đóng cửa giảm điểm. Trong đó, VPB giảm 1,5%, TCB giảm 0,8%, TPB giảm 1,4%, là các mã có thanh khoản sôi động nhất ngành với khối lượng khớp lệnh trên dưới 15 triệu đơn vị.
Cùng nhịp đập của thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt “đi lùi” khi tất cả đều nới rộng biên độ giảm, thuộc top nhóm giảm sâu của thị trường. Trong đó, cổ phiếu giao dịch lớn nhất ngành là VIX đạt 11,1 triệu đơn vị, kết phiên giảm 1,8% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 10.750 đồng/CP; các mã lớn hơn như HCM, VCI, VND, SSI đều giảm hơn 1-2%.
Bên cạnh chứng khoán, nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận mức giảm mạnh là tiêu dùng và bán lẻ, với sự “đóng góp” của MSN, PNJ giảm 3,59%, FRT giảm 2,24%, DGW giảm hơn 1%; VNM, MWG cùng giảm nhẹ…
Trên sàn HNX, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế và HNX-Index cũng không thể tránh khỏi phiên điều chỉnh giảm trước sức ép lớn từ nhóm HNX30.
Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,42%) xuống 225,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,2 triệu đơn vị, giá trị gần 609 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,2 triệu đơn vị, giá trị 5,5 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 kết phiên giảm 2,9% khi có tới 22 mã giảm và chỉ còn 5 mã tăng. Trong đó, TVD tăng tốt nhất là 1,9%, còn lại PVS, HUT, SLS, LHC tăng nhẹ trên dưới 0,5%; ngược lại DTD giảm 2,7%, TMB giảm 2,6%, TNG giảm 2,4%, NTP giảm 2%...
Ở nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ, SRA vẫn nằm sàn khi giảm 7,1% xuống mức 2.600 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 với 1,83 triệu đơn vị khớp lệnh; trong khi MST đã lấy lại mốc tham chiếu và khớp hơn 18 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán cũng thuộc top giảm mạnh, với MBS và SHS cùng giảm hơn 1% và đóng cửa ở vùng giá thấp nhất ngày, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt hơn 2 triệu đơn vị và 4,73 triệu đơn vị, BVS giảm 1,5%, EVS giảm 1,9%, APS giảm 1,5%... Ngoại trừ duy nhất VFS giữ được mốc tham chiếu.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,45%), xuống 91,96 điểm với 121 mã tăng và 154 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,94 triệu đơn vị, giá trị 329,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu BCR vẫn giao dịch vượt trội với hơn 8,65 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giữ mức giá 5.500 đồng/CP.
Trong top cổ phiếu giao dịch sôi động, ngoại trừ duy nhất LTG đóng cửa tăng 4%; còn lại đều điều chỉnh giảm với BSR giảm 0,4%, VGI giảm 4,7%, PVX giảm sàn, ABB giảm 1,3%, HBC giảm 2%, các mã này đều có thanh khoản đạt hơn 1-2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm trên dưới 15 điểm, với VN30F2411 giảm ít nhất là 13,1 điểm, tương đương -1% xuống 1.330,4 điểm, khớp lệnh hơn 215.620 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.760 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó CMSN2402 có thanh khoản lớn nhất đạt hơn 6,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 66,7% xuống mức 20 đồng/cq. Theo sau là CHPG2332 khớp gần 3,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 30,4% xuống 160 đồng/cq.
Hà Trần (t/h)