Sáng nay, thị trường chìm trong sắc đỏ bởi áp lực bán diễn ra trên diện rộng. Chỉ số VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.240 điểm, nhưng nhanh chóng được “vá” và bật hồi nhẹ đôi chút, để khép lại phiên sáng với mức giảm nhẹ hơn 4 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán giá thấp được tiết chế, đã giúp nhiều cổ phiếu dần khởi sắc và thị trường tìm về “điểm cân bằng”. Sau khoảng 1 giờ mở cửa, chỉ số VN-Index đã “quay xe” hồi phục thành công nhờ các nhóm cổ phiếu đồng loạt “bật xanh”.

Dù thị trường chưa thể tăng tốc khi không có nhóm cổ phiếu lớn nào đủ mạnh để dẫn dắt bởi dòng tiền tham gia khá yếu – được minh chứng là phiên có thanh khoản thấp nhất trong hơn 14 tháng, nhưng lực cung suy yếu cùng việc VN-Index đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày và lấy lại thành công mốc 1.250 điểm, điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm tìm lại được xu hướng tăng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 236 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 4,07 điểm (+0,33%), lên 1.251,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 445,75 triệu đơn vị, giá trị 10.206 tỷ đồng, giảm 20,4% về khối lượng và giảm 22,62% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 78,23 triệu đơn vị, giá trị 1.705,85 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng khởi sắc cùng thị trường chung khi kết phiên tăng gần 1,5 điểm, với 17 mã tăng và chỉ còn 6 mã giảm. Trong đó, MWG và SSB cùng tăng 1,8%, POW tăng 1,7%, nhưng cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho thị trường vẫn là TCB với mức giá đóng cửa tăng 1,3%...

Ngược lại, HDB tiếp tục bị bán mạnh hơn trong phiên chiều, đóng cửa giảm 3,9% về vùng giá thấp nhất trong ngày 23.300 đồng/CP; còn lại FPT giảm 1,2%, STB giảm 0,5%, MBB, BID và VJC giảm nhẹ khoảng 0,1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã CIG, APG và TMT vẫn duy trì sắc tím và đều đóng cửa trong trạng thái dư mua trần, với APG dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, sắc xanh nở rộ, trong đó nhóm vận tải ghi nhận mức tăng tốt nhất là 1,9%, với sự đóng góp của HVN tăng hơn 2%, HAH tăng 2,3%, PHP tăng 3,37%,VTO và VOS cùng tăng 2,5%, các mã VSC, GMD, PVT, SCS, VIP… đều tăng hơn 1%...

Bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép đồng loạt khởi sắc dù mức tăng không quá lớn. Trong nhóm thép, HPG tăng nhẹ 0,8% và thanh khoản chỉ thua HDB với gần 13 triệu đơn vị khớp lệnh; còn HSG và NKG tăng tốt hơn, tương ứng tăng 1,4% và 1,8%.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ HDB giảm sâu, cùng STB, BID, MBB điều chỉnh nhẹ, ACB đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc với mức tăng chủ yếu quanh 0,5%. Cổ phiếu TCB tăng tốt ngành khi đóng cửa ghi nhận mức tăng 1,3% lên 23.950 đồng/CP và khớp lệnh 11,95 triệu đơn vị; còn điểm sáng trong phiên trước là NAB đã hạ nhiệt khi đóng cửa tăng nhẹ 0,9% và khớp 10,5 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán vẫn tích cực với sắc xanh là chủ đạo dù biên độ tăng khá hẹp. Trong đó, bộ 3 gồm SSI, VIX, VND có thanh khoản sôi động nhất ngành, đóng cửa lần lượt tăng 0,6%, 1,5% và 0,4%, với SSI đạt khối lượng khớp lệnh lớn nhất là 9,13 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản cũng đua nhau khởi sắc, với điểm sáng là DXG đảo chiều tăng 3,4%, đóng cửa ở vùng giá cao trong phiên 15.000 đồng/CP và thanh khoản đứng ở vị trí thứ 3 toàn thị trường, đạt gần 12,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng đảo chiều tăng điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm HNX30.

Đóng cửa, sàn HNX có 90 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,4%) lên 221,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 37 triệu đơn vị, giá trị 589,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,57 triệu đơn vị, giá trị 16,59 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm HNX30 khởi sắc khi đóng cửa tăng hơn 3,5 điểm, với 15 mã tăng và chỉ còn 4 mã giảm. Trong đó, CAP, PLC, NTP và IDC là các mã kết phiên trong sắc đỏ nhưng mức giảm chỉ trên dưới 1%.

Ngược lại, cổ phiếu DHT tăng tốt nhất là 5,8%, các mã khác là NVB tăng 2,3%, L18 tăng 1,8%, CEO tăng 1,7%, L14 tăng 1,5%...

Ở nhóm cố phiếu vừa và nhỏ, các mã MST, LIG, VC7 đều khởi sắc và kết phiên ở mức giá cao nhất trong phiên với thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị, đáng kể là VC7 tăng 7,3%.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHS vẫn sôi động nhất với 4,74 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa đứng giá tham chiếu, tiếp theo là CEO khớp 4,18 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 1,7%; MBS khớp 2,29 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 1,1%.

Trên UPCoM, thị trường nới rộng biên độ và cũng khép lại ở mức giá cao nhất trong phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,57%) lên 93,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,67 triệu đơn vị, giá trị 448,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 25 triệu đơn vị, giá trị 431,88 tỷ đồng, trong đó riêng SGB thỏa thuận 16,75 triệu đơn vị, giá trị hơn 201 tỷ đồng và VSF thỏa thuận hơn 6,95 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 212 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường tăng vọt với tâm điểm là các cổ phiếu thị giá nhỏ. Trong đó, HNG giao dịch bùng nổ khi có tới hơn 21 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, đóng cửa mã này tăng 14,3% lên mức giá trần 8.000 đồng/CP và dư mua trần tới hơn 5,16 triệu đơn vị.

Trong top 5 mã sôi động nhất thị trường còn có cặp đôi nhỏ VHG và HHG với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 4,43 triệu đơn vị và 2,16 triệu đơn vị, kết phiên đều trong trạng thái dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị.

Ngoài ra, trong top này còn có cổ phiếu BGE đóng cửa tăng 1,4% và khớp 3,95 triệu đơn vị, cùng HBC tăng 6,5% và khớp 2,21 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2501 tăng 4,1 điểm, tương đương +0,3% lên 1.322,5 điểm, khớp lệnh hơn 186.370 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.530 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CMBB2406 giao dịch sôi động nhất với gần 4,65 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 1,9% lên 530 đồng/cq; tiếp theo là MBB2407 khớp 2,52 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,1% xuống mức 1.450 đồng/cq.

Hà Trần (t/h)