
Phiên chiều chứng kiến sự lặp lại xu hướng buổi sáng: nhà đầu tư tiếp tục xuống tiền mạnh mẽ, sẵn sàng mua giá cao nhưng vẫn không thể khớp lệnh, do bên bán gần như “án binh bất động”. Lượng dư mua giá trần tiếp tục tăng vọt tại nhiều nhóm ngành.
VN-Index chỉ tăng nhẹ thêm khoảng 1 điểm so với phiên sáng, thanh khoản nhích lên không đáng kể khi thị trường khép lại phiên giao dịch được xem là lịch sử – cả về biên độ tăng lẫn số lượng mã tăng trần.
Đáng chú ý, thanh khoản chiều nay chạm mức thấp nhất trong nhiều năm do gần như không có lực bán ra. Sự nuối tiếc lớn nhất thuộc về những nhà đầu tư buộc phải giảm tỷ trọng margin trong những phiên trước đó – nay muốn mua lại cũng không còn cơ hội.
Đóng cửa, sàn HOSE có 534 mã tăng, trong đó, có tới 372 mã tăng kịch trần và chỉ 7 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 74,04 điểm (+6,77%), lên 1.168,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 370 triệu đơn vị, giá trị hơn 6.305,9 tỷ đồng, trong khi phiên hôm qua khớp hơn 1,16 tỷ đơn vị, giá trị hơn 32.402 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 89,6 triệu đơn vị, giá trị 1.646 tỷ đồng.
Các mã chính, nhóm VN30 không thay đổi khi cả 30 cổ phiếu đều đóng cửa ở mức giá trần. Khớp lệnh cao nhất nhóm vẫn là SHB với 18,9 triệu đơn vị và bỏ xa vị trí thứ hai là SSI khi chỉ khớp được 5,22 triệu đơn vị.
Điểm nhấn khác thuộc về HPG và MBB khi là hai cổ phiếu có lượng dư mua giá trần cao nhất toàn thị trường với lần lượt 81,2 triệu và 67,1 triệu đơn vị.
Theo sau cũng là hai bluechip nêu trên là SSI và SHB với lượng dư mua trần là 56 triệu và 49 triệu đơn vị.
Những cái tên khác thuộc top dư mua trần khối lượng lớn trên sàn phần lớn là các bluechip khác như VPB, HDB, MWG, FPT, TPB, CTG, STB, ACB, CTB khi có từ hơn 16 triệu đến gần 38 triệu đơn vị, xen kẽ là một số cái tên như HCM, POW, DXG, VND và VIX.
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự khi HNX-Index đi ngang quanh mức đỉnh trong phiên cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 221 mã tăng (139 mã tăng trần) và 18 mã giảm, HNX-Index tăng 15,74 điểm (+8,17%), lên 208,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,9 triệu đơn vị, giá trị 564 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,1 triệu đơn vị, giá trị 211,4 tỷ đồng.
Các cổ phiếu cũng không khác nhiều so với cuối phiên sáng, với loạt cái tên khớp lệnh cao nhất sàn, trong đó, nhiều cổ phiếu lớn nhỏ như SHS, HUT, TIG, TNG, IDC, MBS, CEO, PVS, BVS, VGS, MST, SVN…đều giữ vững giá trần và lượng dư mua giá trần cũng tăng cao, khớp từ 0,23 triệu đến hơn 2,76 triệu đơn vị.
Đáng chú ý là cổ phiếu NRC khi khớp lệnh cao nhất sàn với 1,47 triệu đơn vị và giá cổ phiếu hạ nhiệt, đóng cửa chỉ còn +2,2% lên 4.700 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đi ngang ở mức đỉnh đạt được từ đầu phiên cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, với 378 mã tăng (200 mã tăng trần), UPCoM-Index tăng 8,38 điểm (+9,91%), lên 92,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,6 triệu đơn vị, giá trị 825,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,4 triệu đơn vị, giá trị 140,8 tỷ đồng.
Các cổ phiếu thanh khoản lớn đều tăng với DVN, BCR, AAH, BVB, BGE, HNG, ABB tăng kịch trần, còn VTD, MCH, QTP, QNS, VEA nhích từ 7% đến hơn 13%, khớp từ 0,32 triệu đến hơn 4,8 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng hết biên độ, với VN30F2504 sẽ đáo hạn trong 01 tuần nữa tăng 82,4 điểm, tương đương +6,99% lên 1.260,4 điểm, khớp lệnh chỉ hơn 48.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh và tím cũng tràn ngập, với CVPB2408 khớp lệnh cao nhất gần 7,2 triệu đơn vị, giá tăng 100% lên 40 đồng/cq. Theo sau là CMSN2405 với gần 4,8 triệu đơn vị và tăng 500% lên 60 đồng/cq.
Hà Trần (t/h)