Phiên giao dịch sáng ngày 7/10, thị trường đã đảo chiều hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp, tuy nhiên dòng tiền tham gia khá yếu và các nhóm trụ cột chỉ lình xình tăng, nên VN-Index chỉ tăng nhẹ với thanh khoản ở mức thấp.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá ảm đạm. Bên cạnh lực cầu vẫn thận trọng, áp lực bán tỏ ra mất kiên nhẫn có chút gia tăng, đã nhanh chóng khiến bảng điện tử chuyển qua trạng thái đỏ sau hơn 30 phút mở cửa.
Đà giảm không quá lớn và được thu hẹp dần về cuối phiên, giúp VN-Index về sát vạch xuất phát với thanh khoản giảm mạnh, về mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua và thuộc top 10 phiên có giá trị giao dịch thấp của năm.
Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán. Sau diễn biến tích cực của phiên sáng, các cổ phiếu chứng khoán tiếp tục nới biên độ tăng, ngược dòng xu hướng thị trường chung thành công. Trong đó, ORS vẫn là mã sôi động nhất ngành với hơn 14 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 3,8%. Tiếp theo là VIX tăng 0,4% và VND tăng 2%, đều khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị.
Các mã tăng tích cực trong ngành như: VCI tăng 3,72% và khớp lệnh 9,27 triệu đơn vị, HCM tăng 2,13% và khớp hơn 8,4 triệu đơn vị. Ngoài ra, FTS tăng 2,26%, VDS tăng hơn 2%, MBS, BSI, CTS, AGR đều tăng hơn 1%...
Các nhóm thép, dầu khí chỉ còn nhích nhẹ, với HPG tăng 0,8% và khớp 12,5 triệu đơn vị, hay PVD tăng 0,9%, PVS và PVC tăng trên dưới 1,5%...
Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng chuyển qua trạng thái giằng co do sức ép gia tăng từ các mã lớn như VCB, BID đảo chiều giảm, cùng HDB, OCB, VIB, SSB, NAB đều đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường vẫn là các cổ phiếu ngân hàng TMCP.
Cụ thể, VPB dẫn đầu với hơn 25,9 triệu đơn vị khớp lệnh, TPB khớp 16,72 triệu đơn vị, SHB khớp 15,38 triệu đơn vị, STB và MSB cùng khớp hơn 14,5 triệu đơn vị. Kết phiên, VPB và SHB đứng giá tham chiếu, TPB tăng 1,4%, STB tăng 2,1% và MSB tăng 2,8%.
Nhóm bất động sản đảo chiều giảm khi sắc đỏ trở nên lan rộng hơn dù mức giảm không quá lớn như VHM, VIC, NVL, DIG, HHV, VCG…
Các nhóm dịch vụ tiêu dùng, tiện ích, chăm sóc sức khỏe có mức giảm sâu hơn, với biên độ đều trên 1%.
Chốt phiên, sàn HOSE có 170 mã tăng và 202 mã giảm, VN-Index giảm 0,67 điểm (-0,05%), xuống 1.279,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 542,6 triệu đơn vị, giá trị 11.849,5 tỷ đồng, giảm hơn 11% về khối lượng và 13,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,4 triệu đơn vị, giá trị 1.108,3 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, dù nhóm HNX30 khá nỗ lực về cuối phiên những đã không đủ sức để giúp HNX-Index hồi phục thành công.
Đóng cửa, sàn HNX có 66 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 232,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,5 triệu đơn vị, giá trị 804,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,37 triệu đơn vị, giá trị 335,3 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận gần 16,12 triệu đơn vị, giá trị gần 266 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 vẫn khá nỗ lực khi đóng cửa tăng hơn 1,2 điểm với sự cân bằng khi có 12 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, PVC và SLS tăng tốt nhất là 1,5%, các mã MBS, PVS, NVB đều tăng hơn 1%; trái lại, L18 và TVD cùng giảm 1,7%, NTP giảm 1,3%, DVM giảm 1%; còn lại đều tăng giảm chỉ trên dưới 0,5%.
Trái với diễn biến chung của nhóm chứng khoán, SHS là một trong số ít mã kết phiên dưới mốc tham chiếu. Đóng cửa, SHS giảm nhẹ 0,6% với thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường, đạt hơn 11 triệu đơn vị; trong khi “người anh em” MBS có thanh khoản đứng kế tiếp với 3,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3%. Các mã chứng khoán khác như BVS tăng 0,7%, APS tăng 1,4%, PSI tăng 1,3%.
Trên UPCoM, dù thị trường khá rung lắc và chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu, nhưng chỉ số UPCoM-Index đã đảo chiều thành công.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%) lên 92,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,85triệu đơn vị, giá trị 306 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 9,5 triệu đơn vị, giá trị 235,2 tỷ đồng.
Cùng xu hướng của phần lớn cổ phiếu dầu khí, BSR đã đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 0,8% lên mức giá cao nhất ngày 24.300 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 3,2 triệu đơn vị.
Một số mã vừa và nhỏ vẫn có sức hấp dẫn như HBC tăng 4% và khớp gần 2 triệu đơn vị, BCR tăng 1,8% và khớp 1,55 triệu đơn vị, DGT tăng 3%, AAH tăng 2,6%....
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ chưa tới 5 điểm, trong đó VN30F2410 giảm 3 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.340 điểm, khớp lệnh hơn 203.410 đơn vị, khối lượng mở hơn 59.860 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CVIB2403 phiên này thanh khoản cao nhất khi có 6,64 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 66,7% xuống mức giá 100 đồng/cq. Theo sau là CHPG2331 khớp hơn 6,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,1% lên 150 đồng/cq.
Hà Trần (t/h)