Thị trường lại một lần nữa “lỡ hẹn” với mốc 1.300 điểm bởi phiên giảm mạnh ngày cuối tuần 15/6. Chỉ số VN-Index giảm điểm mạnh với thanh khoản gia tăng vượt mức trung bình 20 phiên, nhưng đây không phải là mức thanh khoản quá lớn.

Bên cạnh đó, giá đóng cửa của VN-Index vẫn nằm trên đường MA20 và các chỉ báo động lượng chưa có dấu hiệu tạo đỉnh hay phân kỳ âm, MFI quay trở lại và kiểm định mức trung lập thêm tại mức 50 điểm và chúng tôi cho rằng đây có lẽ chỉ là một nhịp điều chỉnh cần thiết để thị trường tiếp tục tăng trưởng tới mốc cao hơn.

Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC, quan điểm xu hướng thị trường vẫn tích cực trong 3-6 tháng tới, bởi 2 chất xúc tác quan trọng nhất là sự ổn định của vĩ mô trong nước và sự tích cực từ liên thị trường vẫn chưa thay đổi. Trong ngắn hạn, VN-Index khả năng sẽ có những phiên rung lắc rũ bỏ quanh khu vực 1.250-1.280 điểm, các nhịp điều chỉnh từ mốc 1.250 điểm trở lên sẽ vẫn được xem là lành mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 17/6, dòng tiền có chút thận trọng sau những biến động mạnh ở phiên 15/6 vừa qua khiến giao dịch trở nên chậm hơn. Tuy nhiên, trạng thái thị trường đã cân bằng, chỉ số VN-Index chỉ biến động nhẹ quanh vùng giá tham chiếu.

Sau hơn 80 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng nhẹ với số mã tăng giảm trên bảng điện tử khá cân bằng nhau. Trong đó, điểm sáng là nhóm cổ phiếu thép với bộ ba gồm HSG, HPG, NKG đều tăng mạnh về giá cùng thanh khoản sôi động.

Cụ thể, HSG có thời điểm chạm trần và hiện đang tăng hơn 6%, HPG cũng ghi nhận mức tăng hơn 2%, với thanh khoản đang dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 18,5 triệu đơn vị và gần 14 triệu đơn vị; còn NKG đang tăng trên dưới 4,5% với thanh khoản cũng thuộc top sôi động, đạt gần 7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Áp lực bán thường trực ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan ra thị trường khiến VN-Index khó đứng vững và chỉ số này đã đảo chiều điều chỉnh giảm nhẹ về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HOSE có 144 mã tăng và 273 mã giảm, VN-Index giảm 3,6 điểm (-0,28%), xuống 1.276,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 396 triệu đơn vị, giá trị 10.158,9 tỷ đồng, giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 15/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,45 triệu đơn vị, giá trị 424,35 tỷ đồng.

Nhóm VN30 bị bán mạnh hơn về cuối phiên và tạm dừng ở mức giá thấp nhất khi giảm 7,6 điểm, với 21 mã giảm và chỉ còn 7 mã tăng. Trong đó, SSB tăng tốt nhất là 2,3%, tiếp theo là VIC và HPG cùng tăng hơn 1%; ngược lại, MWG giảm 2,9%, HDB giảm 2,3%, MSN, VIB và ACB cùng giảm hơn 1%; còn lại chỉ biến động tăng giảm nhẹ quanh mức 0,5%.

Xét về nhóm ngành, dù hạ độ cao nhưng nhóm cổ phiếu thép vẫn tăng tốt nhất thị trường. Trong đó, HSG chốt phiên tăng 5,5% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 23,8 triệu đơn vị; tiếp theo HPG tăng 1% và khớp gần 17,8 triệu đơn vị; NKG tăng 3,1% và khớp 9,23 triệu đơn vị; DTL vẫn tăng kịch trần; SMC tăng 4,6%, TLH tăng 1,5%...

Tiếp theo đó, các nhóm sản xuất nhựa – hóa chất, thiết bị điện, vận tải – kho bãi và bảo hiểm có mức tăng chưa tới 0,5%.

Các nhóm cổ phiếu còn lại trên thị trường đều giảm điểm. Trong đó, nhóm bán lẻ vẫn giảm mạnh nhất khi để mất gần 2%, với đà giảm khá mạnh từ MWG và các mã khác như PNJ và FRT cùng giảm hơn 1%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau tín hiệu hồi phục nhẹ đầu phiên cũng đã đảo chiều giảm với biên độ xấp xỉ nhóm ngân hàng khi cùng mất gần 0,5%. Trong đó, các mã HCM, VPB, SHB đều giảm trên dưới 1%, với thanh khoản đạt trên dưới 10 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường giao dịch phân hóa và HNX-Index rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 82 mã giảm, HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,18%), xuống 243,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35 triệu đơn vị, giá trị 731 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,58 triệu đơn vị, giá trị 60,2 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng kém lạc quan khi chốt phiên giảm gần 1,5%, trong đó các mã như SHS, MBS, PVS, TNG, HUT đều chốt phiên giảm trên dưới 1% với thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, riêng SHS có giao dịch vượt trội với 6,92 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bộ 3 nhà APEC vẫn là các mã đáng chú ý, trong đó, IDJ chốt phiên tăng 2,8% và khớp 1,13 triệu đơn vị, APS đứng giá tham chiếu, còn API tăng 6,3% với khối lượng khớp trên dưới 0,7 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, cổ phiếu thép trên HNX dù thu hẹp biên độ nhưng vẫn tích cực khi chốt phiên tăng 2,4% lên mức 37.900 đồng/CP và thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng biến động rung lắc nhẹ trong phiên sáng nay.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%), xuống 97,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23 triệu đơn vị, giá trị 457,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,63 triệu đơn vị, giá trị 54,77 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR rung lắc và chốt phiên đứng giá tham chiếu 23.100 đồng/Cp với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 4,72 triệu đơn vị.

Tiếp theo là DSC và VGT cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt đứng giá tham chiếu và giảm 2,6%.

Đáng chú ý, cổ phiếu thép TVN dù có thời điểm đầu phiên rung lắc nhẹ nhưng đã nhanh chóng khởi sắc và chốt phiên tăng 4,2% lên mức 7.500 đồng/CP, thanh khoản đạt hơn nửa triệu đơn vị.

Hà Trần (t/h)