Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: nguồn: Internet)

Thị trường vừa trải qua phiên đáo hạn phái sinh khá êm ả và chỉ số VN-Index có phiên thứ ba liên tiếp kiểm định thành công mức MA20 với thanh khoản duy trì ở mức khá tốt, tương đương mức trung bình 20 phiên.

Xét về kỹ thuật, hầu hết các chỉ báo vẫn đang bẻ ngang trong đó đường ADX vẫn đang ở mức thấp cho thấy chỉ số sẽ vẫn cần thêm thời gian tích lũy trước khi quay trở lại kiểm tra khu vực đỉnh quanh 1.300 điểm. Đồng thời, dải Bollinger band đang có xu hướng thu hẹp giúp làm giảm rủi ro VN-Index có rung lắc với biên độ lớn.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 21/6, sau 3 phiên tăng nhẹ liên tiếp, áp lực bán dần được kích hoạt khiến VN-Index đảo chiều điều chỉnh và rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu bởi lực cầu vẫn tham gia khá tốt.

Sau hơn 30 phút mở cửa liên tục đổi sắc, thị trường đã tích cực hơn khi sắc xanh dần chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử. Trong khi hầu hết các nhóm ngành đều khởi sắc, ngoại trừ một số nhóm như bất động sản, vật liệu xây dựng, bảo hiểm, chứng khoán… với mức giảm đều chưa tới 0,5%, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường lại không mấy tích cực, đã khiến VN-Index gặp khó để tìm đến mốc 1.290 điểm.

Trên thị trường, bên cạnh những mã thị giá 3 chữ số như FPT, DGC vẫn không ngừng tăng, trong phiên sáng nay đón thêm “ngôi sao mới” là RAL đã nhanh chóng khoe sắc tím và hiện đang đứng tại mức giá 149.000 đồng/CP với khối lượng dư mua trần hơn 0,17 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều điểm sáng nhỏ lẻ khác như NHA, TNC, TTE, NVT tăng kịch trần. Hay ở các nhóm ngành cũng có những mã nổi bật như ở nhóm thép, các mã ở top sau như TVN, TIS tăng kịch trần trong khi các mã đầu ngành biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu; hay ở nhóm công nghệ có ABC, CMT cũng khoe sắc tím…

Thị trường duy trì trạng thái lình xình trên mốc tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 222 mã tăng và 175 mã giảm, VN-Index tăng 4,5 điểm (+0,35%) lên 1.286,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 326,8 triệu đơn vị, giá trị 8.755 tỷ đồng, cùng giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35 triệu đơn vị, giá trị 608,2 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 14 mã tăng và 15 mã giảm, chốt phiên chỉ số nhóm này chỉ tăng nhẹ hơn 1 điểm. Trong đó, SSB tăng tốt nhất đạt 2,8%, tiếp theo là GVR tăng 2,1%, còn lại các cổ phiếu khác tăng giảm nhẹ trong biên độ 1%.

Xét về nhóm ngành, nông lâm ngư vẫn là nhóm tăng tốt nhất đạt hơn 2,5%, tiếp theo là sản xuất nhựa – hóa chất và nhóm công nghệ thông tin cùng tăng gần 1,5%, còn lại đều dưới 1%.

Trong đó, nhóm trụ cột ngân hàng và chứng khoán chỉ nhích nhẹ chưa tới 0,5% bởi diễn biến phân hóa. Ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu VPB có giao dịch vượt trội trên thị trường với gần 18,2 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm nhẹ 0,8%, trong khi STB chốt phiên tăng 1% và khớp 7,68 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu đáng chú ý trong phiên sáng nay như DBC có thời điểm tăng mạnh và chốt phiên tăng 1,2% lên mức 36.750 đồng/CP với thanh khoản sôi động, chỉ thua VPB, với 8,57 triệu đơn vị khớp lệnh; cổ phiếu khác cùng ngành chăn nuôi là BAF tăng 2,1% và khớp 3,44 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị giá 3 chữ số, bên cạnh FPT tiếp tục duy trì đà tăng và xác lập đỉnh lịch sử mới, điểm sáng là RAL có phiên tăng kịch trần lên mức 149.000 đồng/CP và dư mua trần hơn 0,16 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index ở nửa sau của phiên đã tích cực hơn, dù giao dịch vẫn khá thận trọng ở nhóm cổ phiếu lớn.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 99 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,88 điểm (+0,36%), lên 244,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,4 triệu đơn vị, giá trị 659 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,1 triệu đơn vị, giá trị 75,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu nhà APEC lại nổi sóng, với API tăng trần lên 8.500 đồng, IDJ +7,3% lên 7.400 đồng, APS +5,3% lên 8.000 đồng, khớp từ 1,06 triệu đến hơn 2,35 triệu đơn vị.

Tăng đáng kể khác còn TVC +6,9% lên 10.800 đồng, ONE +6,1% lên 8.700 đồng, CTP +6,7% lên 6.400 đồng.

Các mã lớn như SHS, MBS, VGS, NDN tăng nhẹ, trong khi PVS, CEO, HUT đứng giá tham chiếu, với SHS vẫn là cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn khi có hơn 3,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UpCoM, chỉ số UPCoM-Index duy trì đà tăng từ đầu phiên, nhưng đã hạ nhiệt nhẹ về cuối phiên khi một số cổ phiếu hạ độ cao.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,07 điểm (+1,08%), lên 100,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,1 triệu đơn vị, giá trị 953,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,42 triệu đơn vị, giá trị 32,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ hoạt động mạnh với TVN và MPT tăng trần lên 8.800 đồng và 900 đồng. Trong khi TTN và BDT tăng hơn 10% lên 23.400 đồng và 11.500 đồng.

Trong khi đó, BSR -0,8% xuống 24.300 đồng với thanh khoản vẫn là mã dẫn đầu khi có hơn 4,8 triệu đơn vị.

Hà Trần (t/h)