Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Trong phiên hôm qua, dòng tiền sôi động và luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành, đã giúp VN-Index có lúc đã vượt qua ngưỡng cản 1.290 điểm từ khá sớm.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng và áp lực chốt lời gia tăng sau đó khiến số mã giảm điểm chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử và VN-Index bị đẩy lùi về sát mốc tham chiếu khi đóng cửa. Thanh khoản thêm một phiên duy trì ở mức cao với hơn 24.000 tỷ đồng giá trị giao dịch tính riêng trên HOSE.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 6/6, thị trường thêm một lần vượt qua mốc 1.290 điểm từ khá sớm khi nhóm bluechip đồng loạt tăng và sắc xanh tích cực trên bảng điện tử.

Tuy nhiên, đây dường như vẫn là ngưỡng cản rất mạnh và áp lực bắt đầu gia tăng, dù không lớn nhưng cũng đủ khiến VN-Index hạ độ cao về dưới mốc điểm này sau hơn 1 giờ giao dịch.

Dòng tiền có phần chậm lại và cho tín hiệu dịch chuyển sang các mã vừa và nhỏ, với hai cái tên nổi bật là APH và HNG khi đều tăng kịch trần từ sớm. Trong đó, cổ phiếu APH khớp được hơn 5,5 triệu đơn vị, HNG khớp hơn 2,62 triệu đơn vị.

Cổ phiếu HNG tăng kịch trần có lẽ đến từ thông tin Công ty tiếp quản HNG là CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 41,5 tỷ đồng trong năm 2023, kết quả này được cải thiện so với mức lỗ 868,5 tỷ đồng năm 2022 và lỗ hơn 513 tỷ đồng trong năm 2021.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu HHV, khi bất ngờ đang là mã khớp lệnh cao nhất sàn với gần 9 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích gần 3%.

Sự thận trọng tiếp tục dâng cao ở nửa sau của phiên và ngưỡng 1.290 điểm thêm một lần chưa thể được chinh phục. Thanh khoản sụt giảm mạnh, các nhóm ngành dẫn dắt không xuất hiện, một vài điểm nhấn riêng lẻ ở các mã nhỏ không giúp thị trường tránh khỏi phiên sáng ảm đạm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 228 mã tăng và 142 mã giảm, VN-Index tăng 4,45 điểm (+0,35%), lên 1.288,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 332,5 triệu đơn vị, giá trị 8.465,6 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30,5 triệu đơn vị, giá trị 860,8 tỷ đồng.

Các bluechip có lẽ là đại diện cho sự ảm đạm chung, khi dù sắc xanh chiếm ưu thế với 21 mã tăng trong rổ VN30, nhưng đa phần chỉ nhích nhẹ, thậm chí nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất là BVH, SAB, BCM chỉ nhích hơn 1% và STB +3,7% lên 30.700 đồng.

Ở chiều ngược lại, ngoài VNM giảm nhẹ 1% thì TCB, MWG, GVR, VIC giảm không đáng kể. Cùng với đó, các mã ACB, SHB, VHM, VPB đứng tham chiếu.

Thanh khoản ngoài STB khớp hơn 12,2 triệu đơn vị, thì phần còn lại không mã nào khớp tới 10 triệu đơn vị, với HPG theo ngay sau cũng chỉ có gần 8 triệu đơn vị, SHB khớp 6,3 triệu đơn vị, POW khớp 6,2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không nhiều cái tên đáng kể, ngoài HNG giữ vững giá trần +6,9% lên 4.820 đồng, khớp gần 2,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, với các cổ phiếu nhựa APH +6,4% lên 10.850 đồng, khớp 6,48 triệu đơn vị; HII +4,8% lên 6.590 đồng, NHH +4,2% lên 20.000 đồng.

Các mã tăng khá còn có TV2 +4,9% lên 49.000 đồng, HAX +4,4% lên 16.500 đồng, RDP +4,3% lên 5.830 đồng, ABS +4,1% lên 5.580 đồng. Các cổ phiếu SGR, TVS, CTI, IJC, ADS, FIR, ACC tăng 3% đến gần 4%.

Cổ phiếu HHV sau đầu phiên duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản đã bị đẩy xuống vị trí thứ hai sau STB, với khối lượng khớp lệnh hơn 9,7 triệu đơn vị, giá cổ phiếu HHV nhích 2,6% lên 13.700 đồng.

Trên sàn HNX, bảng điện tử phân hóa mạnh khiến HNX-Index giằng co, rung lắc ở ngay trên vùng tham chiếu trong suốt cả phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 83 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,18%), lên 244,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 27 triệu đơn vị, giá trị 569,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,94 triệu đơn vị, giá trị 37,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là VCS, khi bất ngờ nổi sóng, khớp lệnh dù chỉ gần 1 triệu đơn vị, nhưng đây cũng là phiên tốt nhất kể từ trong gần 2 năm qua, giá cổ phiếu tăng 6,44% lên 77.700 đồng.

Các mã lớn khác biến động nhẹ, với SHS, PVS, HUT, TNG chỉ tăng trên dưới 1%, trong khi CEO, MBS đứng tham chiếu và IDC giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu APEC điều chỉnh, với IDJ, API và APS giảm trên dưới 3%, với IDJ khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn khi có hơn 1,59 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UPCoM-Index tăng từ sớm và liên tục chạm tới các mức cao trong phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,03 điểm (+1,05%), lên 98,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,1 triệu đơn vị, giá trị gần 700 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,56 triệu đơn vị, giá trị 9 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu TTN và PIV tiếp tục tăng mạnh, với PIV tăng trần lên 5.200 đồng, khớp 0,42 triệu đơn vị và TTN +13,3% lên 18.800 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu BSR khớp lệnh vượt trội với hơn 9,1 triệu đơn vị và cũng có mức tăng khá +3,5% lên 24.000 đồng.

Hà Trần (t/h)