Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Mặc dù VN-Index đã chinh phục được mốc 1.290 điểm sau nhiều lần thất bại, nhưng diễn biến thị trường khá mong manh khi áp lực bán vẫn luôn thường trực khiến chỉ số dễ dàng để mất vùng giá mới trong phiên giao dịch hôm qua ngày 11/6.

Thị trường đã trải qua những nhịp rung lắc với áp lực bán mạnh đặc biệt từ khối ngoại khi khối này xác nhận phiên bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với hàng loạt mã lớn bị bán ròng hàng trăm tỷ đồng, kéo tổng giá trị bán ròng trong phiên lên tới gần 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ trong nước tương đối tốt đã giúp VN-Index đóng cửa chỉ giảm nhẹ hơn 6 điểm.

Xét về kỹ thuật, hai chỉ báo RSI và MACD hướng xuống tuy nhiên không có dấu hiệu hình thành phân kỳ âm nên nhìn chung VN-Index vẫn đang vận động ổn định. Dải Bollinger band vẫn duy trì thu hẹp nên VN-Index sẽ khó rung lắc với biên độ lớn.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 12/6, lực cầu nhập cuộc vẫn duy trì nhiệt sôi động, nhưng với áp lực bán luôn chực chờ, VN-Index chỉ nhích nhẹ khi mở cửa rồi nhanh chóng quay đầu.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu với thanh khoản khá tích cực và dòng tiền sôi động đang chuyển hướng qua nhóm cổ phiếu chứng khoán, dẫn dắt nhóm cổ phiếu này đua nhau khởi sắc.

Bên cạnh sắc xanh bao phủ trên diện rộng của ngành, với các mã lớn như VND, SSI, HCM tăng nhẹ, điểm sáng là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, VIG và PSI sớm khoe sắc tím, cổ phiếu VIX đang tăng trên dưới 3,5% với thanh khoản vượt trội thị trường, lên tới gần 34 triệu đơn vị, gấp hơn 5 lần cổ phiếu đứng thứ hai là SSI khớp hơn 6,7 triệu đơn vị.

Lực đỡ chính cho thị trường trong phiên sáng nay là FPT. Cổ phiếu FPT tăng tốc ngay từ đầu phiên và hiện đang tăng 4,7%, tạm đứng trên mức giá 132.000 đồng/CP sau gần 90 phút giao dịch, đồng thời thanh khoản đứng ở vị trí thứ ba thị trường với hơn 5,4 triệu đơn vị khớp lệnh. Hiện FPT đang đóng góp gần 2 điểm cho chỉ số chung.

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để thực hiện chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20:3, nên giá tham chiếu của cổ phiếu FPT điều chỉnh về mức 126.500 đồng/CP.

Thị trường vẫn diễn biến rung lắc nhẹ trong thời gian còn lại và mốc 1.280 điểm đang đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ khá tốt của VN-Index.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 154 mã tăng và 232 mã giảm, VN-Index giảm 0,09 điểm (-0,01%), xuống 1.284,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 375 triệu đơn vị, giá trị gần 10.082 tỷ đồng, giảm 17,44% về khối lượng và 14,77% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,75 triệu đơn vị, giá trị 847,5 tỷ đồng.

Mặc dù sắc đỏ chiếm ưu thế bảng điện tử nhưng nhóm VN30 với một vài điểm sáng đang là lực đỡ chính giúp thị trường bớt giảm sâu. Trong đó, FPT vẫn tăng tốt nhất rổ khi chốt phiên tăng 3,4% lên mức 130.800 đồng/CP và khớp lệnh 6,92 triệu đơn vị; VPB tăng 1,9% lên 18.650 đồng/CP và khớp gần 30,6 triệu đơn vị, MSN tăng 1,6%...

Xét về nhóm ngành, với động lực chính từ anh cả của ngành là FPT, nhóm cổ phiếu công nghệ có mức tăng tốt nhất thị trường.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán không còn tăng mạnh như đầu phiên khi một số mã như VDS, VCI, TVS, TVB đảo chiều giảm nhẹ trên dưới 1%. Điểm sáng của ngành vẫn là các mã thuộc top vừa và nhỏ, trong đó VIX chốt phiên tăng 3% lên mức 18.900 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt hơn 38 triệu đơn vị. Cổ phiếu SSI chốt phiên tăng 1% với thanh khoản thuộc top 3, đạt xấp xỉ 9,2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng phân hóa và điều chỉnh nhẹ, trong đó VPB là mã tăng tốt nhất ngành, ngoài ra VCB và MBB nhích nhẹ, còn lại đều chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm không quá lớn.

Nhóm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và nhóm sản phẩm cao su giảm mạnh nhất thị trường khi đều mất hơn 1%, còn lại chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng nửa cuối phiên sáng đã khiến HNX-Index đảo chiều và rung lắc nhẹ cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 63 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,07%), xuống 246,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41 triệu đơn vị, giá trị 847,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,94 triệu đơn vị, giá trị 105,1 tỷ đồng.

Góp phần tô điểm cho diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu chứng khoán vừa và nhỏ, PSI chốt phiên tăng kịch trần, VIG tăng sát trần với mức tăng 7,9% và thanh khoản đứng thứ ba thị trường khi có gần 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh; APS tăng 2,5%, EVS tăng 5,1%, HBS...

Trong khi đó, SHS tăng nhẹ 0,5% lên 19.300 đồng/CP và thanh khoản vẫn vượt trội với 11,27 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS tăng 0,3% và khớp 1,65 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng hơn về cuối phiên khiến thị trường nới nhẹ biên độ giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,49%), xuống 98,47 điểm với 131 mã tăng và 113 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,31 triệu đơn vị, giá trị 783,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,23 triệu đơn vị, giá trị 36,26 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng đua nhau khởi sắc với SBS tăng 4,5% và khớp 4,48 triệu đơn vị, AAS tăng 6% và khớp 3,48 triệu đơn vị, DSC tăng 5,2% và khớp 0,91 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR vẫn có thanh khoản lớn nhất thị trường với 5,17 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 0,9% xuống 23.000 đồng/CP.

Hà Trần (t/h)