Tuy nhiên, với những chính chính sách mà Chính phủ đang nỗ lực triển khai, TTCK sẽ có những bước tiến vượt bậc, sẵn sàng đón nhận những dòng vốn lớn và những nhà đầu tư có tầm nhìn xa.

Chứng khoán vượt đỉnh

Chốt phiên giao dịch ngày 22/3, chỉ số VN-Index tiếp tục vượt đỉnh lịch sử của TTCK Việt Nam cách đây 11 năm khi đạt 1.175,22 điểm. Đáng chú ý, dù khởi đầu phiên, nhà đầu tư (NĐT) rất hưng phấn, đưa chỉ số tăng tới 10 điểm nhưng về cuối, lực bán tăng, chỉ số suy giảm, kết thúc phiên chỉ còn tăng hơn 3 điểm so với phiên hôm trước. Điều này cho thấy, dù thị trường vượt đỉnh nhưng tâm lý NĐT vẫn có phần thận trọng và dè dặt hơn.

Theo các chuyên gia tài chính, đỉnh lịch sử chỉ có ý nghĩa về mặt tâm lý, vì thị trường hiện nay đã khác rất xa so với cách đây 11 năm. Điểm số cùng như vậy, nhưng mức độ vốn hóa đã gấp 10 lần, số DN niêm yết trên HoSE đã gấp 4 lần, ngoài ra còn trên 1.000 mã trên HNX, thanh khoản cũng đã gấp khoảng 10 lần trước đây, thậm chí có phiên đã lên đến 20.000 tỷ đồng. Cùng với đó, trình độ của các NĐT đã được nâng lên rất nhiều.

Chứng khoán thiết lập “đỉnh cao” mới: Chờ những dòng vốn lớn - Hình 1

NĐT cá nhân không nên đua theo những phiên tăng giảm của thị trường

Nhận xét về phiên giao dịch “lịch sử”, ông Lê Tiến Đông, Phó tổng giám đốc CTCK Artex cho biết, giá dầu thế giới tăng đã khiến cho cổ phiếu dầu khí rất hưng phấn; giá cổ phiếu bất động sản sau một thời gian đi ngang quá lâu, nay đã khởi sắc - cũng góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của thị trường.

Tuy nhiên, có một yếu tố không tích cực là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo tăng lãi suất và công khai sẽ tăng 4 lần trong năm, đã gây tâm lý khá bi quan với TTCK quốc tế. Như vậy, về dài hạn, có thể dòng tiền sẽ rút ra khỏi thị trường mới nổi như Việt Nam.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng dù đầu phiên thị trường khởi đầu rất tích cực, nhưng về cuối lại suy giảm. Tuy nhiên, từ ngày 12/3 đến nay, TTCK đã có 9 phiên liên tục tăng điểm, việc tăng lãi suất của Fed trước mắt, sẽ không ảnh hưởng tiêu cực nhiều đến thị trường, vì NĐT cá nhân vẫn rất phấn khích và mang nhiều kỳ vọng vào kênh đầu tư vào TTCK.

Với NĐT tổ chức, chưa hẳn họ đã là lo ngại, nhưng có vẻ như đang chuyển dần về thế phòng thủ hơn. Đây cũng là diễn biến bình thường của NĐT với những biến động của thị trường.

Không còn là giấc mơ…

Trước việc TTCK liên tiếp chinh phục những đỉnh cao trong tháng 3, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn cho biết, chỉ 1 năm về trước, rất nhiều người khi nghĩ về con số này đều cho đó là không tưởng, nhưng đến nay đã là sự thật.

Nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, đã được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua. Một trong những nguyên nhân cơ bản có được kết quả hôm nay đó là nhờ chính sách. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này, thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo.

Với các DN có nền tảng bền vững, hoạt động minh bạch, thì đây là cơ hội rất tốt để huy động vốn mở rộng quy mô phát triển và cũng là cơ hội để các DNNN bán bớt tỷ lệ sở hữu nhà nước để tái cơ cấu hệ thống quản trị đưa DN lên tầng cao mới.

Tuy nhiên, các DN cần lưu ý tránh đi vào vết xe đổ của một số DN đình đám một thời, huy động vốn dễ dàng, trong khi đội ngũ cũng như hệ thống quản lý không đáp ứng được và dẫn tới rủi ro sụp đổ. Với NĐT, ông Hưng cho rằng hãy lưu ý, TTCK vốn rất khắc nghiệt, mỗi người phải tự lựa chọn một nguyên lý quản lý rủi ro riêng cho mình để hạn chế những rủi ro không đáng có.

Dưới một góc nhìn khác, ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch CLB Công ty Quản lý quỹ đầu tư CK Việt Nam vẫn nhận định, TTCK trong năm 2018 là đầy triển vọng. Tuy nhiên, để chắc chắn khẳng định năm 2018 thị trường tăng bao nhiêu điểm, giống như dự báo thời tiết thì khó, nhưng chúng ta đều thấy rằng những yếu tố tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế là rất rõ ràng.

Những dự báo lạc quan của các chuyên gia cho thấy, dòng vốn lớn sẽ dịch chuyển vào TTCK trong năm 2018, mở ra những cơ hội lớn cho các NĐT. Tuy nhiên, để hạn chế những rủi ro không đáng có, NĐT nên thận trọng khi rót vốn, lựa chọn những DN có nền tảng tài chính vững vàng, minh bạch và tránh đầu tư theo phong trào để giảm thiểu rủi ro về tài chính.

Cao Huyền