Video có sử dụng một số tư liệu nguồn internet

Quảng Trị: Xe khách đặt ma nơ canh giả hành khách để che giấu hàng lậu

Ngày 13/12, trên quốc lộ 9, đoạn qua xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị), Trạm CSGT Đakrông, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị đã dừng xe khách biển kiểm soát 15B - 01135 chạy hướng Lao Bảo - TP.Đông Hà để kiểm tra.

Chuyển động 389: Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết - Hình 1

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe chở một lượng hàng lậu lớn, gồm gần 2.000 chai rượu và bia ngoại, 1.800 gói thuốc lá ngoại. Tổng giá trị số hàng trên khoảng 500 triệu đồng.

Thời điểm kiểm tra, tài xế Chu Đức Anh cùng 2 chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, tài xế Anh cùng chủ hàng dùng nhiều ma nơ canh, choàng áo khoác đặt vào ghế hành khách nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Số ghế trống trên xe và dưới hầm dùng để chứa hàng lậu.

Sang Singapore buôn lậu iPhone về Việt Nam bị bắt

Ngày 13/12, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM cho biết đã chuyển hồ sơ sang VKSND TP HCM đề nghị truy tố Nguyễn Hoàng Anh Khoa (SN 1986; ngụ quận 10, TP. HCM), Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1971), Trần Phi Hùng (SN 1972, bạn trai Hằng), Nguyễn Minh Tâm (SN 1988, con ruột Hằng), Lê Trần Phong Vũ (SN 1990 cùng ngụ quận Tân Phú - TP.HCM) về tội buôn lậu. Theo Công an TP. HCM, Anh Khoa tổ chức đường dây nhập lậu iPhone từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ, những người còn lại giúp vận chuyển.

Chuyển động 389: Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết - Hình 2

Kết quả điều tra như sau: chiều 16/12/2016, Phòng CSĐT Tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng- Công an TP. HCM đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra Hằng và những người liên quan. Lúc này, nhóm Hằng vừa đi ra từ cổng đến gaquốc tế tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Cơ quan chức năng phát hiện Hằng và 3 người trong nhóm giấu 224 iPhone 128 Gb cùng nhiều phụ kiện khác nhưng không khai báo hải quan. Theo kết quả giám định, lô hàng này trị giá 5,7 tỷ đồng.

Ngoài lô hàng bị phát hiện, Anh Khoa cùng các đồng phạm khai nhận, từ đầu năm 2016, Hằng xuất cảnh sang Singapore 20 lần, Hùng sang Singapore 20 lần, Tâm sang Singapore 4 lần, Vũ cũng đi 15 lần để vận chuyển iPhone về Việt Nam cho Khoa.

Long An: Bắt giữ kho thuốc lá lậu khủng giáp biên giới

Công an huyện Đức Huệ (Long An) vừa cho biết, Cảnh sát kinh tế, Công an huyện đã bắt giữ số lớn thuốc lá ngoại nhập lậu ở nhà hai người dân gần khu vực tiếp giáp biên giới. Qua tiến hành kiểm tra, đã thu gữ hơn 60.000 gói thuốc lá lậu.

Chuyển động 389: Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết - Hình 3

Trước đó, trưa cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện nhóm thanh niên chạy mô tô không biển số đã được độ chế như “đôn dên”, “xoáy nòng” chở nhiều thùng thuốc lá ngoại nhập lậu từ bên kia biên giới Campuchia vào sâu trong nội địa.

Sau khi bám theo, phát hiện các đối tượng rẽ vào nhà hai hộ dân ở khu vực ấp 4, xã Mỹ Quí Tây, huyện Đức Huệ, Cảnh sát kinh tế huyện Đức Huệ tổ chức đột kích và phát hiện bên trong nhà ông Tô Văn Sái (47 tuổi) và nhà ông Đỗ Văn Nghĩa (54 tuổi, hai nhà liền kề nhau) cất giấu 20.950 gói thuốc lá lậu các loại.Kiểm tra khu vực vườn cây phía sau nhà ông Nghĩa và ông Sái, Cảnh sát kinh tế phát hiện thêm 39.050 gói thuốc lá ngoại được “ngụy trang” dưới đống rơm cùng 3 mô tô.

Bộ Công thương chuyển hồ sơ vụ Khaisilk cho cơ quan Cảnh sát

Ngày 11/12/2017, Bộ Công thương đã ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức.

Theo đó, Công ty TNHH Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).
Ngoài ra, Công ty đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Bên cạnh đó, Công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Đồng thời, Công ty cũng có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng vụ Khaisilk cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết

Chuyển động 389: Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết - Hình 4

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo quy luật, các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu thường lợi dụng những dịp lễ lớn cuối năm như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... để đẩy mạnh hoạt động. Do đó, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại càng trở nên phức tạp, đòi hỏi sự quyết liệt, tập trung vào các điểm “nóng”.

PV (T/H)