Chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP ở quận Thanh Xuân - Hình 1

Khai trương điểm cung cấp TPAT tại phường Khương Mai - Thanh Xuân - HN

Là một quận đô thị hóa, có biến động dân số lớn cùng với sự xuất hiện của nhiều khu đô thị, tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, với lượng sinh viên đông. Quận có 11 phường, với dân số khoảng 283.641 người. Trên địa bàn quận có tổng số các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố là 2.188 cơ sở. Trong đó, ngành y tế quận quản lý 1.487 cơ sở (thành phố quản lý 165 cơ sở); ngành nông nghiệp quản lý 233 cơ sở; ngành công thương quản lý 539 cơ sở. Trong 9 tháng đầu năm, toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát được 2.998 lượt cơ sở và đã xử phạt vi phạm hành chính 154 trường hợp với tổng số tiền phạt 245.807.500 đồng.

Để làm được điều này ngay từ đầu UBND quận ban hành nhiều kế hoạch về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Mặt khác, quận đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp quy về ATTP hiện hành, các biện pháp đảm bảo ATTP phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Quận chỉ đạo các đài truyền thanh các phường tăng cường phát thanh tuyên truyền về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm với 84 lượt phát thanh hướng dẫn người dân mua và sử dụng các loại thực phẩm tại các cơ sở có địa chỉ tin cậy, có công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầy đủ về nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, UBND quận công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP và những cơ sở vi phạm các quy định điều kiện ATTP.

Chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP ở quận Thanh Xuân - Hình 2

 Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của thành phố HN kiểm tra ATTP tại quận Thanh Xuân

100% UBND các phường thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Phòng Y tế phối hợp với phòng Kinh tế quận đã tổ chức tập huấn Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận vào tháng 5/2018. Tại 11 phường đã tổ chức kiểm tra, kết hợp tuyền truyền trực tiếp về ATTP phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phường.

Về công tác tổ chức thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, số cơ sở cấp mới giấy chứng nhận ATTP trong 9 tháng đầu năm 2018 là 18 cơ sở (trong đó lĩnh vực y tế cấp 15 giấy; lĩnh vực nông nghiệp cấp 2 giấy; lĩnh vực công thương cấp 1 giấy). Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn quận là 67/67 cơ sở đạt 100%.

Đối với cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP, Phòng Y tế tham mưu cho UBND cấp 300 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 690 người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chăm sóc trẻ thuộc các trường, lớp mầm non tư thục và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn trên địa bàn quận; trong đó lĩnh vực y tế cấp cho 214 giấy/584 người; lĩnh vực nông nghiệp 12 giấy/15 người; công thương 74 giấy/91 người.

Sự nỗ lực của toàn quận được ghi nhận: Trong nhiều năm liền, trên địa bàn quận không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào. Tuy nhiên, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn vẫn còn những tồn tại như một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng, nhiều người lao động vẫn chưa mặc đầy đủ trang phục bảo hộ lao động theo quy định…

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo ATTP, quận Thanh Xuân: tập trung kiểm tra ATTP của các cơ sở theo phân cấp đồng thời kiểm tra các bếp ăn tập thể cơ quan, xí nghiệp theo ủy quyền của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội và kiểm tra các bếp ăn tập thể các trường học phục vụ năm học mới vào cuối tháng 9/2018; thực hiện giám sát và tái kiểm tra việc khắc phục các tồn tại của các cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP; khai trương điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại phường Thanh Xuân Nam vào cuối tháng 9/2018.

Mai Hoa