Ông Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với việc ứng dụng CNTT và CĐS; tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới công tác quản lý, dạy và học; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, công tác truyền thông giáo dục thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Sở GD&ĐT và các đơn vị thành phần.
Trong năm học, Sở GD&ĐT đã tiếp nhận 19.386 hồ sơ trực tuyến. Năm 2023, kết quả chỉ số cải cách hành chính của Sở xếp thứ 7/23 các sở, ngành, đạt 87,84 điểm; ứng dụng CNTT CĐS xếp thứ 6/23 các sở, ngành, đạt 747,83 điểm. Ngành Giáo dục Bắc Ninh đã triển khai, thực hiện hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến: 100% (64/64) các thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến ở mức độ toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Ninh (địa chỉ http://dvc.bacninh.gov.vn), đã thực hiện kiểm thử dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình đề ra của UBND tỉnh.
Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn ngành GD&ĐT được hoàn thiện kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương, cơ sở giáo dục và đồng bộ với các CSDL tỉnh, quốc gia, CSDL chuyên ngành khác góp phần hình thành CSDL mở quốc gia; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân; từng bước thực hiện số hóa, sử dụng văn bản, sổ điểm điện tử... thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, hội nghị, họp, tập huấn được thực hiện thường xuyên trên môi trường mạng.
Đặc biệt hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt; triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học; tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2024 - 2025 theo hình thức trực tuyến.
Ngoài ra, Sở triển khai hệ thống học tập trực tuyến phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên; chú trọng tuyên truyền để đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tăng cường tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu CĐS.
Đồng chí Nguyễn Văn Đang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: Với những nỗ lực trong CĐS, đến nay 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt; triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cho 100% học sinh Tiểu học; hơn 7.000 giáo viên các cấp được cấp chữ ký số; 100% giáo viên các cấp sử dụng sổ điểm điện tử, lưu trữ trên hệ thống của ngành; 100% cơ sở giáo dục tiểu học, THCS, THPT tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đặc biệt, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tiết học giáo dục địa phương, môn lịch sử kết nối trực tuyến từ các di tích nổi tiếng của tỉnh như Chùa Dâu, Đền Đô, Văn Miếu, các làng nghề truyền thống… tới lớp học.
Những nỗ lực và kết quả bước đầu trong CĐS góp phần quan trọng trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD&ĐT. Bước vào năm học mới 2024 - 2025, ngành Giáo dục chủ động xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành, áp dụng các giải pháp phù hợp với nền tảng phát triển kỹ năng số quốc gia để tạo thuận lợi cho việc trao đổi tài nguyên học tập, tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng số trực tuyến ở mỗi cơ sở giáo dục, mỗi địa phương và toàn ngành.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025”.
Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng GD&ĐT; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung; triển khai thực hiện học bạ số để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, chất lượng dạy và học.
Bá Đoàn