Chốt phiên chiều 26/9, VN-Index giảm 15,24 điểm (-1,32%) xuống 1,137,96; HNX-Index giảm 1,75 điểm (-0,76%) xuống 229,75 điểm; UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,31%) xuống 88,43 điểm.
Theo đó, trên 3 sàn có tới có hơn 560 mã giảm, trong đó gần 50 mã giảm sàn; chưa đầy 250 mã tăng giá. Nhóm VN30 trong phiên chiều 26/9 ghi nhận mã GVR giảm sàn; NVL giảm 6,5%. Các mã giảm sâu có VHM, PDR, VIC, BCM, VRE. Có 8 mã tăng điểm là: VIB, MWG, MBB, MSN, SSI, CTG, HPG và VPB.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, phiên chiều 26/9, EIB giảm 4,11%; LPB giảm 2,94%; VCB giảm 2,58%; SHB giảm 1,82%; TPB giảm 1,67%; BID giảm 1,66%, TCB giảm 1,22%. Tuy nhiên mã CTG tăng 1,68%; VIB tăng 1,05%; MBB tăng 0,83%; SSB tăng 0,77%; VPB tăng 0,25%.
Cả ngày 26/9, khối ngoại mua ròng gần 651,5 tỷ đồng ở HoSE; 27,4 tỷ đồng ở HNX và 15,7 tỷ đồng ở UpCOM. Theo đó, mã HPG được mua tốt nhất với 157,2 tỷ đồng; SSI +134 tỷ đồng; DGC +76,5 tỷ đồng; VCB +29,8 tỷ đồng. Phía bán có GVR -48,9 tỷ đồng; MWG -38 tỷ đồng; VND -32,7 tỷ đồng; STB -30,6 tỷ đồng và chứng chỉ quỹ FUESVFL -118,1 tỷ đồng.
Trước diễn biến giảm mạnh gần đây của VN-Index, đại diện Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam (Dragon Capital) phân tích: Đầu tiên là áp lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu khi FED đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11/2023 và kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Điều này đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thông tin về sự tăng giá của tỷ giá hối cùng các biện pháp gần đây của NHNN liên quan đến việc phát hành tín phiếu đã khiến tâm lý thị trường trở nên không ổn định. Ngoài ra, một số công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp siết chặt đòn bẩy tài chính cũng tạo ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trong các phiên giao dịch gần đây.
“Thông thường, trong các giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường trong một xu hướng tăng dài hạn, tỷ lệ đòn bẩy thường phải điều chỉnh sâu hơn, có lúc lên đến 20%”, Quỹ đầu tư Dragon Capital nêu.
“Nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh. Rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt, bởi sự biến động trong khoảng từ 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp”, Dragon Capital khuyến nghị.
Còn theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, việc NHNN phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng và nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN.
“Bước đi này của NHNN không nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại. Đây là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa, góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó”, ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Đề cập về nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm mạnh, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DSC cho rằng: Thị trường thế giới tiêu cực sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp tuần trước. Khả năng còn đợt tăng lãi suất và lãi suất sẽ tiếp tục neo cao cho đến nửa cuối năm 2024. Lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh và USD tăng. USD tăng gây áp lực lên tỷ giá.
''Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng qua thị trường mở (OMO). Mặc dù số lượng hút chưa lớn nhưng chưa hẳn là đợt cuối cùng và quan trọng đó là phát tín hiệu về dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều. Bên cạnh đó, liên quan đến Thông tư 06 quy định, không cho vay để đi gửi tiền, sẽ có tác động đến lợi nhuận của công ty chứng khoán. Theo khoản 7 - Điều 8 sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn ‘để gửi tiền’. Quy định này nhận được rất nhiều sự quan tâm, thảo luận của giới tài chính - chứng khoán'', ông Bùi Văn Huy cho biết.
Phương Thảo (T/h)