Ông Tim Leelahaphan, Ngân hàng Standard Chartered
Đồng Việt Nam (VND) đã duy trì xu hướng chung với các đồng tiền thuộc thị trường mới nổi Châu Á trong ba năm qua, chịu tác động từ môi trường đồng đô la Mỹ (USD) mạnh. Mặc dù biến động thị trường vẫn ở mức thấp, các yếu tố bên ngoài như các động lực thương mại và điều kiện kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá.

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Cấp cao Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, Standard Chartered đã điều chỉnh dự báo tỷ giá hối đoái USD/VND, nâng mức dự báo giữa năm lên 26.000 (từ mức dự báo trước đó là 25.450) và dự báo cuối năm 2025 lên 25.700 (trước đó là 25.000).”
“Triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn cần nên thận trọng và chờ đợi thêm thông tin từ chính sách thương mại của Mỹ, xét đến Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ trong số các mặt hàng khác”, ông Leelahaphan chia sẻ thêm.
Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8%, so với mức 6,5-7%, với kỳ vọng lạm phát ở mức 4,5-5%, nhằm tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt. Triển vọng tăng trưởng mạnh hơn có thể giúp duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn. Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025 nhằm ứng phó với lạm phát gia tăng.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố nhận định về thị trường ngoại hối thể hiện, SBV đã can thiệp để giảm sức ép lên đồng VND qua bán dự trữ ngoại hối và qua các nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Đồng VND bị giảm giá 4,4% so với đồng USD vào tháng 12/2024 (so cùng kỳ), với tỷ giá ở mức 25.333 VND. Áp lực mất giá đồng nội tệ đẩy tỷ giá lên sát biên độ +/- 5% do SBV đề ra.

Để ứng phó, SBV can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối trị giá 9,4 tỷ USD trong năm 2024, làm giảm dự trữ ngoại hối hiện nay xuống còn khoảng 2,5 tháng nhập khẩu vào quý III/2024, so với 3,1 tháng của năm trước đó. SBV cũng hút thanh khoản về qua OMO và qua phát hành tín phiếu kho bạc (lần lượt trị giá 82,4 ngàn tỷ đồng và 60,8 ngàn tỷ đồng). Kết quả là lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng lên 4,04% vào tháng 12/2024 (so cùng kỳ), làm giảm áp lực đối với đồng nội tệ.
Ông Đinh Đức Quang, Ngân hàng UOB
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích, dựa vào các số liệu kinh tế từ Mỹ, UOB tiếp tục giữ quan điểm rằng lãi suất đô la Mỹ chỉ sẽ được cắt giảm rất chậm trong năm 2025, với mức cắt giảm khoảng 0,25% sớm nhất vào giữa năm 2025. Như vậy, mặt bằng chung lãi suất USD sẽ tiếp tục ở mức cao quanh mức 4%. Đây là mức lợi tức hấp dẫn cho một đồng tiền dự trữ quốc tế với mức độ an toàn và thanh khoản rất cao.
Theo ông Quang, chính quyền mới tại Mỹ đang đề cập nhiều đến các biện pháp thuế quan. Tuy nhiên, UOB nhận thấy điều này vẫn đang ở mức độ thăm dò nhằm mục đích đẩy nhanh các đàm phán thương mại trên cơ sở các bên đều có lợi. Biện pháp áp thuế cao vẫn có tác dụng ngược làm tăng giá cả hàng hóa, qua đó gây áp lực lên lạm phát tại Mỹ, làm chậm đi mong muốn cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn. Chính quyền mới cũng nhiều lần đưa ra quan điểm ủng hộ chính sách lãi suất USD thấp hơn (đồng đô la Mỹ yếu hơn) để thúc đẩy tiêu dùng, thị trường nhà ở và xuất khẩu.
“Khi thị trường Mỹ chưa thực sự bắt đầu nới lỏng tiền tệ thì các thị trường còn lại sẽ chưa thể mạnh tay cắt giảm lãi suất. Tất cả các thị trường trên thế giới đều cố gắng giữ dòng vốn đô la Mỹ ở lại thị trường mình trong tổng thể cân bằng các yếu tố lợi tức từ lãi suất và tỷ giá; và Việt Nam không nằm ngoài tổng thể đó”, ông Quang cho biết thêm.

Theo đánh giá của ông Quang, tỷ giá giao dịch USD/VND trên thị trường trong những tuần đầu năm 2025 tiếp tục diễn biến bình thường với các biến động tăng giảm theo nhu cầu mua bán tùy từng thời điểm. Trong đó, tỷ giá này giao dịch trên thị trường quanh mức 25.400-25.500 đồng vào cuối năm 2024 và đến ngày 25/2/2025 tiếp tục được giao dịch quanh mức 25.450-25.550 đồng.
“Chúng tôi cũng ghi nhận tỷ giá USD/VND ổn định, tức là tiền đồng chưa lên giá so với USD trong vài tuần đầu năm 2025, trong khi một số đồng tiền khác trong khu vực (Rupie Indonesia, Yên Nhật, Won Hàn Quốc, Thái Baht, đôla Singapore…) có được mức tăng khoảng 1-3% so với USD.
Cẩn trọng sức nóng đồng bạc xanh
Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phát sinh Ngân hàng Shinhan Việt Nam kỳ vọng, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vững chắc như cán cân thanh toán ổn định, dòng vốn FDI tích cực cộng với việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến USD khó tăng cao... là yếu tố làm giảm áp lực lên VND. Song mức độ giảm có thể bị hạn chế, phụ thuộc vào khả năng phục hồi của các nền kinh tế ngoài Mỹ như Châu Âu, Trung Quốc…

Các chuyên gia phân tích của HSBC Việt Nam nhận định, tỷ giá USD/VND năm nay tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, chẳng hạn, lạm phát Mỹ có giảm xuống mức mục tiêu như kỳ vọng của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới hay không. Việc Fed chưa vội cắt giảm lãi suất, những chính sách của chính quyền mới của Mỹ, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và xung đột địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới…, nhất là chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến đồng USD tăng giá, tạo thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND.
UOB cũng đánh giá triển vọng tỷ giá USD/VND đứng trước những bất định. Tỷ giá đã có một khoảng thời gian tạm lắng trong tháng 1/2025, khi Tổng thống Trump không áp dụng thuế ngay từ ngày đầu tiên đối với Trung Quốc. Điều này đã khiến tỷ giá USD/VND rút khỏi mức cao kỷ lục gần 25.500, giảm xuống khoảng 25.100 trong suốt tháng 1/2025. Tuy nhiên, sự bình ổn này nhanh chóng bị phá vỡ sau khi ông Trump công bố thuế đối với Mexico, Canada và Trung Quốc vào đầu tháng Hai, khiến tỷ giá USD/VND tăng lên khoảng 25.300.
Với lập trường thận trọng hơn của Fed về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025, cùng với những bất ổn từ thuế quan và Trung Quốc, USD/VND được dự báo có khả năng duy trì xu hướng tăng.
PV (t/h)