Hai đại diện đến từ Ngân hàng TMCP NamABank sẽ tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (EximBank, mã:EIB) trong nhiệm kỳ 2015-2020. Sự xuất hiện của NamABank khá lạ, khi mà Đại hội cổ đông năm 2015 không đề cập đến chủ trương sáp nhập ngân hàng nào.
Đến thời điểm này, hiện chỉ có Eximbank đã được Đại hội cổ đông năm trước (diễn ra ngày 26/4/2014) chấp thuận chủ trương Eximbank sẽ sáp nhập vào một ngân hàng thương mại khác.
Chuyện sáp nhập của Eximbank cũng là “một ý tưởng” như lãnh đạo ngân hàng chia sẻ một năm trước, nhưng sẽ cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể và trình xin ý kiến Đại hội cổ đông chấp thuận. Phương án sáp nhập cụ thể sẽ phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt thì sau đó mới tiến hành.
Sự thay đổi lớn
Những đồn đoán về khả năng EximBank sẽ sáp nhập lại rộ lên từ đầu năm 2015 và sự chú ý dồn về NamABank – ngân hàng có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với EximBank. Tuy nhiên, nghi vấn sáp nhập lại sáng rõ hơn khi lộ diện hai đại diện của NamABank muốn tham gia vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ tới.
Theo Biên bản kiểm phiếu về việc đề cử, ứng cử vào HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020, chỉ có 6 ứng viên là đại diện của nhóm cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần, được đề cử bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới.
Trong đó, có ông Trần Ngô Phúc Vũ – hiện là Tổng giám đốc NamABank – là đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 10,0348% cổ phần Eximbank (gồm 3 tổ chức và 12 cá nhân). Tổng sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông này lên tới 20,43% cổ phần Eximbank.
Chưa rõ NamAbank và Eximbank có sáp nhập hay không
Được biết, ông Trần Ngọc Tâm - nguyên Phó TGĐ NamABank - vừa thôi nhiệm - là đại diện cho nhóm cổ đông nắm 10,3938% cổ phần (gồm 4 tổ chức và 6 cá nhân). Cả hai lãnh đạo này đều dày dặn kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khoảng 20 năm.
Danh sách ứng viên HĐQT nhiệm kỳ mới không có tên ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch đương nhiệm của EximBank và 6 thành viên khác. Người cũ của Eximbank đề cử vào HĐQT chỉ có ông Phạm Hữu Phú, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc EximBank (đại diện nhóm cổ đông nắm 10,1099%) và ông Naoki Nishizawa (đại diện cho nhóm cổ đông nắm 10,0496%).
Ứng viên mới là Yasuhiro Saitoh (đại diện cho nhóm cổ đông nắm 10,0495%), từng là Ủy viên chuyên trách của Eximbank. Ông Lê Minh Quốc (đại diện nhóm cổ đông nắm 9,895%) cũng sẽ tham gia HĐQT.
Danh sách nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát sẽ phải trình Ngân hàng Nhà nước xem xét và chấp thuận, trước khi trình Đại hội cổ đông ngày 22/4/2015 tới đây biểu quyết thông qua.
Năm 2014 vừa qua cũng có biến động lớn trong cơ cấu HĐQT NamABank. Ông Nguyễn Quốc Toàn được bầu giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và nắm giữ 5% cổ phần ngân hàng (tính tới 30/6/2014). Tổng sở hữu của ông Toàn và những người có liên quan tại NamABank là hơn 42,61 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 14,2%.
Bước đi “thăm dò”?
Mặc dù việc sáp nhập được lãnh đạo Eximbank đánh giá là “tạo cơ hội tốt cho sự phát triển của Eximbank trong tương lai” khi lựa chọn được đối tác phù hợp để “về chung một nhà”. Trước đây, đối tượng nhắm tới là Ngân hàng Sacombank – sau khi hai nhà băng này “bắt tay” hợp tác bằng một bản thỏa thuận, có kèm định hướng sáp nhập.
Còn nay, đối tượng đã chuyển hướng sang NamABank với những bước đi chắc chắn về sở hữu cổ phần lớn, tham gia HĐQT... của những cổ đông sở hữu 20,43% Eximbank.
Trước đó, theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh Doanh, đã có những cuộc “chạy đua” quyết liệt giữa các nhóm cổ đông, nhằm đảm bảo dồn đủ số cổ phần với tỷ lệ sở hữu trên 10%. Đây là một tỷ lệ “căng thẳng”. Xét trên quy mô vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, thì giá trị cổ phần tối thiểu của nhóm cổ đông cũng trên 1.235 tỷ đồng.
Theo quy luật thông thường, nếu có xảy ra chuyện sáp nhập thì các ngân hàng sẽ tiến hành họp Đại hội cổ đông các ngân hàng (thường niên hoặc bất thường) để thông qua chủ trương sáp nhập với một ngân hàng. Sau đó, HĐQT mới thực hiện các bước tiếp theo như tìm hiểu, lựa chọn đối tác, lên phương án cụ thể…
Dự kiến, ngày 17/4, NamABank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên. Hiện, không rõ kỳ họp này có bàn đến việc sáp nhập ngân hàng, mà trước hết là xin chấp thuận chủ trương sáp nhập.
Hơn nữa, ở các trường hợp ngân hàng đã hợp nhất, sáp nhập như SCB, PVcombank, MaritimeBank – MekongBank, SHB – Công ty tài chính VVF… đều không cử đại diện tham gia vào HĐQT ngân hàng trước khi có chủ trương sáp nhập. Một số trường hợp ghi nhận cổ đông có sở hữu cổ phần cả hai ngân hàng, nhưng không lộ diện nhóm cổ đông này.
Do đó, câu hỏi đặt ra là vì sao NamABank lại cử tới hai đại diện vào HĐQT Eximbank trước khi có tín hiệu rõ ràng hơn về chuyện sáp nhập? Nhất là khi, các đại diện của NamABank muốn tham gia vào HĐQT Eximbank, tức có thể trực tiếp điều hành ngân hàng trên cơ sở nắm tỷ lệ cổ phần lớn.
Theo Hải Hà(TBKD)