Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, hiện có 107 trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.

Trong đó, trên địa bàn Quận 7 là 7 trường hợp; Quận 12 là 8 trường hợp; Quận Bình Thạnh 03 trường hợp; TP. Thủ Đức 18 trường hợp; huyện Bình Chánh 30 trường hợp; huyện Nhà Bè 25 trường hợp; huyện Hóc Môn 4 trường hợp; huyện Cần Giờ 5 trường hợp; huyện Củ Chi 7 trường hợp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trước thực trạng trên, Sở  Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản gửi các đơn vị liên quan nhằm chủ động phòng chống, ứng phó. Đồng thời, bảo đảm an của người dân sống ven sông, an toàn giao thông đường thủy.

Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông thuộc địa bàn quản lý.

Đồng thời, các địa phương cần chỉ đạo các phường, xã, thị trấn vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ hoặc buộc tháo dỡ đối với công trình xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông trên địa bàn quản lý.

Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn tăng cường kiểm tra và phối hợp UBND quận, huyện để xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Xây dựng và các quận huyện trong công tác kiểm tra, xử lý đối với trường hợp vi phạm.

Trước đó, theo kế hoạch của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trong hai năm (2023-2024) sẽ cắm mốc hành lang bảo vệ 59 tuyến sông, kênh rạch với tổng chiều dài hơn 553 km.

Trong đó bờ sông Sài Gòn dài 72 km, sông Soài Rạp dài gần 60 km, sông Lòng Tàu dài 32 km và hơn 7 km sông Đồng Nai. Ngoài ra, hàng loạt kênh, rạch khác cũng được thành phố cắm mốc hành lang bảo vệ như rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn...

Việc cắm mốc sẽ dựa theo chỉ giới trên bản đồ địa chính để xác định phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch, sau đó mới triển khai thực địa.

Hoàng Bách (t/h)