THCL Việc bổ sung vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) đã không thể xem xét và quyết định tại ĐHCĐ bất thường lần 3, diễn ra sáng 2/7. Do đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hết thời hạn chót 4/7, sẽ tuyên bố mua lại toàn bộ cổ phần GPBank với giá... 0 đồng.

Cuộc họp ĐHCĐ lần 3 này đã có sự tham dự đầy đủ hơn của các cổ đông lớn của GPBank. Cụ thể, 62 cổ đông và người ủy quyền đến dự họp với tỷ lệ đạt 85,36% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Song, khác với 2 lần họp trước thất bại, ĐHCĐ lần 3 đã kết thúc vì không thông qua được chương trình nghị sự.

Lỗ mất vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo tài chính được Earnst &Young Việt Nam kiểm toán, đến ngày 2/4/2015, GPBank có vốn điều lệ hơn 3.018 tỷ đồng. Nhưng lỗ lũy kế hơn 12.280 tỷ đồng dẫn tới vốn chủ sở hữu âm tới 9.195 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu lên tới 45,37%.

Do bị âm vốn chủ sở hữu và không bảo đảm mức vốn pháp định tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, ngày 4/6, GPBank đã thông báo triệu tập họp ĐHCĐ bất thường để xem xét việc bổ sung vốn điều lệ theo yêu cầu của NHNN. Vì nếu không bổ sung được đủ vốn pháp định trong vòng 30 ngày (hạn chót là ngày 4/7/2015), NHNN sẽ tiến hành xử lý GPBank. Khi đó, kịch bản mua lại toàn bộ cổ phần giá 0 đồng có thể lặp lại với cổ đông GPBank.

Tuy nhiên, cả 2 lần họp (ngày 20/6 và 27/6) đều bất thành, vì cổ đông đến dự không đủ tỷ lệ tối thiểu 65% và 51% theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đến cuộc họp lần 3, ngày 2/7, ĐHCĐ đủ điều kiện tiến hành, nhưng không khí diễn ra rất căng thẳng, vấp phải sự phản ứng gay gắt của nhóm cổ đông lớn nắm trên 10% cổ phần.

GPBank sẽ bị mua 0 đồng sau khi ĐHCĐ không quyết được việc bù đắp vốn

Do ngân hàng hiện chỉ còn duy nhất ông Nguyễn Văn Dũng đủ tư cách thành viên HĐQT, nên ông Dũng đã trở thành Chủ tọa điều hành ĐHCĐ cùng 2 thành viên khác.
Về nội dung bổ sung vốn điều lệ, bà Trần Thị Lệ Nga, người đại diện của GPBank (do NHNN chỉ định sau khi Chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long bị đình chỉ chức vụ) cho biết trước ĐHCĐ đã nhận được văn bản của nhóm cổ đông của ông Đoàn Văn An - đại diện sở hữu trên 10% vốn - kiến nghị đưa thêm nội dung vào chương trình họp. Cụ thể, nhóm cổ đông này kiến nghị ĐHCĐ xem xét thêm phương án bán 100% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bà Nga giải thích rằng ĐHCĐ bất thường họp bàn về phương án phát hành riêng lẻ để bổ sung vốn điều lệ cho đủ 3.000 tỷ đồng theo Quyết định 1116 của NHNN (có hiệu lực từ ngày 4/6/2015). Do đó, kiến nghị của nhóm cổ đông không thuộc thẩm quyền giải quyết của đại hội lần này.

Cổ đông sợ "mua 0 đồng"

"Cổ đông hiện hữu được ưu tiên mua cổ phần chào bán riêng lẻ để tăng vốn vì ngân hàng đang bị lỗ. Trường hợp cổ đông không mua, mua không hết thì bán cho cổ đông khác hoặc nước ngoài", bà Nga giải thích. Trong vòng 30 ngày mà không hoàn thành (hạn chót là ngày 4/7/2015) thì GPbank sẽ bị xử lý.

Một số cổ đông khác cũng đề nghị cần thêm phương án để có thêm lựa chọn, bảo đảm tăng vốn khả thi. Vì GPBank đang lỗ lớn, khó thu hút được nhà đầu tư mua cổ phần. "Chúng tôi là cổ đông bỏ vốn vào ngân hàng, cũng muốn ngân hàng có phương án bù đắp lỗ, hoặc bán cổ phần cho nước ngoài để cổ đông thu được một phần, thay vì chỉ nhận 0 đồng", một cổ đông phát biểu, lo ngại kịch bản "mua 0 đồng" lặp lại tại GPBank.

Dù vậy, Ban Chủ tọa chỉ lấy biểu quyết về nội dung chương trình họp ĐHCĐ đã gửi tới cổ đông từ trước. Nhóm cổ đông Đoàn Văn An và một số cổ đông đại diện sở hữu lớn đã rời khỏi cuộc họp, không tham gia biểu quyết.
Sau khi kiểm phiếu, ông Nguyễn Văn Dũng thông báo, tỷ lệ biểu quyết không đủ thông qua chương trình họp và tuyên bố ĐHCĐ bất thường đã không thực hiện được yêu cầu tăng vốn của NHNN.
Đại diện NHNN cho ý kiến hết ngày 4/7/2015, NHNN sẽ tuyên bố mua lại toàn bộ cổ phần GPBank với giá 0 đồng và khẳng định sẽ bảo đảm toàn bộ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Như vậy, chỉ 1 ngày nữa, GPBank có thể là ngân hàng thứ 3 bị "quốc hữu hóa" sau khi không bổ sung đủ vốn điều lệ như VNCB, OceanBank. Với 2 nhà băng bị mua 0 đồng vừa qua, NHNN đã chuyển đổi thành ngân hàng có 100% vốn Nhà nước và chỉ định Vietinbank tham gia hỗ trợ, ổn định hoạt động. Các cổ đông của VNCB, OceanBank đã bị chấm dứt tư cách và quyền lợi tại ngân hàng.

Quyết định "mua 0 đồng" được cho là biện pháp mạnh nhằm nhanh chóng xử lý các ngân hàng yếu kém, thua lỗ, có sai phạm nghiêm trọng… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD đang ở giai đoạn cuối và đã có những kết quả tích cực như: giảm số lượng tổ chức, giảm nợ xấu, tăng thanh khoản, hoạt động lành mạnh hơn...

Theo Thời báo kinh doanh