Học sinh nghỉ Tết 08 ngày, phụ huynh tranh cãi chưa hợp lý
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 của các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, học sinh Hà Nội sẽ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão bắt đầu từ ngày 19/01 đến hết ngày 26/01/2023.
Sau khi UBND TP. Hà Nội chốt phương án nghỉ Tết Nguyên đán trong 08 ngày, nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên bày tỏ không đồng tình với lịch nghỉ này.
Nhiều phụ huynh cho rằng, lịch nghỉ Tết năm nay ngắn. Hơn nữa, ngày học sinh đi học trở lại từ ngày mùng 6 Tết, rơi vào ngày thứ Sáu. Với học sinh Tiểu học, các em sẽ đi học một ngày rồi nghỉ tiếp hai ngày cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật. Như vậy, lịch nghỉ rất bất hợp lý và không phù hợp với các gia đình sống xa quê.
Phụ huynh Lưu Thảo Trang (có con đang học Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ) cho biết: “Năm học qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các con cũng được nghỉ hè ngắn hơn mọi năm nên tôi mong muốn con được nghỉ thêm 1 ngày mùng 6 Tết để con có thêm thời gian vui chơi bên gia đình, ông bà. Nếu không được, tôi cũng đang dự định xin cho con nghỉ học ngày mùng 6”.
Được biết, so với số ngày nghỉ Tết của các tỉnh khác, tại Kiên Giang, là một trong những địa phương cho học sinh nghỉ ít ngày nhất, chỉ 07 ngày. Theo đó, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được nghỉ từ 20/01 đến hết 26/01/2023 (29/12 đến hết 5/1 âm lịch). Như vậy, học sinh tại Kiên Giang chỉ được nghỉ Tết Nguyên đán 2023 chỉ 07 ngày.
Trong khi đó, trung bình các tỉnh thành trên cả nước cho học sinh nghỉ Tết từ 09 đến 12 ngày.
Vậy, học sinh nghỉ Tết bao nhiêu ngày là hợp lý?
Tại TP. Hồ Chí Minh, trước đó từng công bố lịch nghỉ Tết 09 ngày cho học sinh, từ 18/01 đến 26/01/2023 (27 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng âm lịch). Sau đó, UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết của học sinh từ 09 lên 12 ngày trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý từ báo chí, phụ huynh.
Tuy nhiên, việc học sinh được nghỉ nhiều hơn so với lịch của cán bộ công chức, viên chức (07 ngày) có nên không? Trên thực tế, sau mỗi kỳ nghỉ Tết dài ngày, học sinh thường có tâm lý chung là “ngại” đi học, mất một thời gian dài chệch choạch khi trở lại trường.
Trước ý kiến cho rằng, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh Hà Nội ít hơn so với các địa phương khác, đại diện lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội thông tin, lịch nghỉ Tết của thành phố được xây dựng theo khung đã được Thủ tướng phê duyệt. Sở đã cân nhắc các tình huống khác nhau để đề xuất UBND thành phố phương án phù hợp.
Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh Tiểu học đến trường từ thứ Hai đến thứ Sáu; học sinh cấp THCS và THPT đến trường từ thứ Hai đến thứ Bảy. Nếu kỳ nghỉ kéo dài thêm, học sinh cấp THCS và THPT sẽ bị ảnh hưởng 02 buổi học.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình có con ở độ tuổi mầm non, tiểu học có thể gặp khó khăn khi không có người trông con do bố mẹ đi làm theo lịch chung. Việc trở lại trường vào thứ sáu cũng là cơ hội để giáo viên, học sinh làm quen trở lại với nhịp học tập sau kỳ nghỉ Tết, sau đó có thêm 01-02 ngày nghỉ cuối tuần để bắt đầu một tuần học mới hiệu quả nhất.
Về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án cho học sinh Hà Nội nghỉ Tết 08 ngày và cách lý giải của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội.
Về mặt tâm lý, thực tế sau kỳ nghỉ dài nghe đến việc sắp phải đi học, nhiều trẻ ở bậc mầm non, tiểu học khó mếu không muốn đến trường. Học sinh ở bậc lớn hơn cũng uể oải, có tâm lý ngại học. Đây là tâm lý rất thường tình.
“Thực ra chưa có sự điều tra gì chính xác để khẳng định học sinh nghỉ Tết 08 ngày hay nghỉ nhiều ngày tốt hơn nhưng theo nhận thức thông thường, nếu các em được nghỉ dài ngày quá sẽ dễ rơi vào tình trạng xao nhãng học tập”, PGS.TS Lê Quý Đức cho hay.
Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Quý Đức, nếu thời gian nghỉ Tết của học sinh kéo dài hơn, chuyên gia này e ngại cha mẹ có con ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học sẽ gặp khó trong việc gửi con.
Minh An (T/h)