Tâm lý kỳ nghỉ lễ kéo dài cùng diễn biến chỉ số chung tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm càng khiến thị trường giao dịch thận trọng hơn. Chỉ số VN-Index đã trải qua 6 phiên giao dịch liên tiếp biến động nhẹ trên mốc 1.280 điểm và tiếp tục duy trì xu hướng này trong phiên giao dịch sáng ngày 30/8.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm biến động. Dòng tiền đã bước vào “kỳ nghỉ lễ” khiến thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ, thấp nhất trong 2 tuần qua, đồng thời VN-Index vẫn giữ mức tăng nhẹ nhờ động lực chính từ nhóm cổ phiếu bluechip, với tâm điểm chính là cổ phiếu ngân hàng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 202 mã tăng và 180 mã giảm, VN-Index tăng 2,4 điểm (+0,19%) lên 1.283,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 571,6 triệu đơn vị, giá trị 14.029,3 tỷ đồng, giảm 9,84% về khối lượng và 3,62% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 60,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.405 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tích cực hơn trong phiên sáng khi đóng cửa tăng gần 5 điểm, với 17 mã tăng và chỉ còn 8 mã giảm. Trong đó, các mã giảm đều quanh mức 0,5%; ngược lại ở chiều tăng, cặp đôi ngân hàng TCB và HDB, cùng MWG tăng tốt nhất đều đạt hơn 1%.

Cụ thể, TCB kết phiên tăng 1,5% lên mức giá cao nhất ngày 23.350 đồng/CP, đã đóng góp lớn nhất với hơn 0,6 điểm cho chỉ số chung. Đồng thời, thanh khoản của TCB cũng sôi động khi thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường và là mã có khối lượng khớp lệnh lớn nhất dòng bank, đạt gần 13,3 triệu đơn vị.

Ngoài TCB, các cổ phiếu ngân hàng khác như EIB, NAB, HDB, CTG, VCB, ACB, TPB, SSB, VIB, MSB cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh; còn VPB, MBB, SHB đứng giá tham chiếu. Ngoại trừ, LPB, BID và OCB kết phiên giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch phân hóa, với FTS tăng tốt nhất ngành đạt 1,9%, còn các mã may mắn giữ được sắc xanh cũng chỉ tăng trên dưới 0,5%. Cổ phiếu VIX rung lắc nhẹ và đóng cửa tại mốc tham chiếu 12.150 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt gần 41 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu bất động sản vẫn giữ nhiệt sôi động, tuy nhiên nhóm này cũng không nằm ngoài xu hướng giằng co của thị trường chung. Trong đó, cổ phiếu DIG vẫn chưa thể hồi phục kể từ sau thông báo kết thuận thanh tra về vi phạm trong cổ phần hóa và thoái vốn. Kết phiên, DIG giảm 2,7% xuống mức 23.200 đồng/CP và khớp 32,32 triệu đơn vị.

Ngoài ra, NVL kết phiên giảm nhẹ 0,4% và khớp 14,66 triệu đơn vị; PDR tăng nhẹ 0,5% và khớp 11,75 triệu đơn vị; DXG tăng 1,3% và khớp 11,35 triệu đơn vị; mã lớn VHM đứng giá tham chiếu và khớp 11,32 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường duy trì diễn biến phân hóa và chỉ số HNX-Index đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 78 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,13%), xuống 237,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,41 triệu đơn vị, giá trị 947,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,74 triệu đơn vị, giá trị 176,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu TNG bớt tiêu cực hơn khi đóng cửa chỉ còn giảm 1,8%, đứng tại mức giá 27.200 đồng/CP với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 2 khi có 6,58 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, mã SHS trở lại vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với 9,76 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu 16.400 đồng/CP. Các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS giảm 0,4%, APS giảm 2,7%, HBS giảm 2,%; trong khi IVS tăng 1%, BVS và VFS tăng nhẹ.

Một số mã đáng chú ý đã ngược dòng thị trường chung thành công như TIG tăng 2,3% và khớp 2,27 triệu đơn vị, PVS tăng 1,5% và khớp 2 triệu đơn vị, LAS tăng 1,2% và khớp 1,78 triệu đơn vị, AAV tăng 3,1% và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc, nhưng diễn biến tích cực hơn về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,33%) lên mức 94,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,8 triệu đơn vị, giá trị 384,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,62 triệu đơn vị, giá trị hơn 50 tỷ đồng.

Cặp đôi dầu khí vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường. Trong đó, BSR kết phiên giảm 0,4% xuống mức 23.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,11 triệu đơn vị; còn OIL tăng 0,7% lên mức 15.400 đồng/CP và khớp hơn 1,25 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu DDV tăng khá tốt trong bối cảnh nhóm hóa chất - phân bón tích cực với DGC tăng 2,16%, DPM tăng 0,29%, BFC tăng 0,68%, LAS tăng 1,2%... Kết phiên, DDV tăng 2,2% lên mức 18.400 đồng/CP và khớp lệnh 0,83 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó hợp đồng VN30F2409 tăng 5,9 điểm, tương đương +0,4% lên 1.332,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 123.210 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.050 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã thanh khoản cao nhất biến động ngược chiều nhau, trong đó, CMSN2313 dẫn đầu khi khớp lệnh hơn 2,89 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,7% xuống mức 330 đồng/cq; còn CMWG2314 đứng ở vị trí thứ 2 khi khớp hơn 2,41 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3% lên mức 2.090 đồng/cq.

Hà Trần (t/h)