Chốt phiên giao dịch ngày 5/10 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS tăng gần 6% so với phiên liền trước, lên mức 8,5 USD/cổ phiếu.

Với mức giá như vậy, vốn hóa của VinFast Auto đạt gần 20 tỷ USD. Tuy nhiên, mức vốn hoá này còn thấp hơn nhiều so với mức định giá ban đầu khi sáp nhập với Black Spade là 23 tỷ USD.

Cổ phiếu VinFast Auto tăng mạnh trở lại, sau 4 phiên giảm sâu trước đó.
Cổ phiếu VinFast Auto tăng mạnh trở lại, sau 4 phiên giảm sâu trước đó.

Hiện tại, vốn hóa VinFast Auto xếp dưới hãng xe Tata Motors của Ấn Độ, hãng SAIC Motor của Trung Quốc và Kia của Hàn Quốc. Tuy nhiên, VinFast đã lấy lại vị trí thứ 21 trong các hãng xe ô tô trên thế giới, tăng 1 bậc so với phiên giao dịch ngày 4/10. Nếu chỉ tính các hãng xe điện, VinFast đứng thứ 4 sau hãng xe Tesla của tỷ phú Elon Musk (tính tới 5/10 có vốn hóa 836 tỷ USD), BYD của Trung Quốc (91,8 tỷ USD) và Li Auto của Trung Quốc (34,6 tỷ USD).

Đáng chú ý, thanh khoản cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq gần đây cải thiện mạnh so với hồi giữa tháng 9.

Ở phiên 5/10, có tới gần 9 triệu cổ phiếu VFS được giao dịch, tăng khoảng 63% so với phiên liền trước. Ở phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu VFS của VinFast giảm 13,72% so với phiên liền trước, xuống còn 8,05 USD/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh trong phiên mức 5,6 triệu cổ phiếu.

Đà tăng của cổ phiếu VinFast đi ngược với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Chốt phiên 5/10, chỉ số Dow Jones giảm gần 10 điểm xuống 33.119,57 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 5,56 điểm xuống 4.258,19 điểm, chỉ số Nasdaq Composite giảm 16,8 điểm xuống 13.219,83 điểm.

Cả 3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm sau khi số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp được công bố. Theo đó, trong tuần kết thúc vào ngày 30/9, có 207.000 trường hợp nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, cao hơn 2.000 trường hợp so với tuần trước đó.

Minh An(T/h)