Phát biểu tại chương trình, Đại tá Phạm Hùng Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: bên cạnh những thông tin bắt buộc như sinh trắc học về khuôn mặt, vân tay và mống mắt, công dân có thể tự nguyện cung cấp thông tin về sinh trắc học ADN và giọng nói, Công an tỉnh sẽ thực hiện, đáp ứng yêu cầu của người dân. Chương trình thu thập mẫu sinh trắc học ADN phục vụ cấp thẻ Căn cước đối với lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ là hoạt động cần thiết thể hiện tính tiên phong gương mẫu Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị Công ty Cổ phần GeneStory tiếp tục phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền giới thiệu lợi ích, ý nghĩa của các xét nghiệm sinh trắc học ADN tới người dân trên địa bàn tại các điểm thu nhận hồ sơ cấp Căn cước. Quá trình triển khai thực hiện, cán bộ, nhân viên các đơn vị chuyên môn thực hiện mẫu xét nghiệm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về bảo đảm thông tin liên quan đến mẫu, kết quả xét nghiệm và thông tin của công dân, cán bộ, chiến sĩ, người đăng ký xét nghiệm.
Tại chương trình, Công ty Cổ phần GeneStory tổ chức triển khai thu thập mẫu sinh trắc học ADN phục vụ cấp thẻ Căn cước lấy mẫu ADN cho 100 lãnh đạo Công an tỉnh, thủ trưởng các đơn vị, chỉ huy, cán bộ đơn vị trực tiếp làm công tác cấp thẻ căn cước và Đề án 06. Đây là một bước tiến mới trong an sinh xã hội với nhiều lợi ích lâu dài cho người dân, cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Được biết, Công ty Cổ phần GeneStory là đơn vị đầu tiên trên cả nước đến thời điểm hiện tại đáp ứng được các tiêu chí theo Quyết định số 4556/QĐ-BCA-H09, ngày 21/6/2024 của Bộ Công an về phê duyệt tạm thời quy định kỹ thuật sinh trắc học ADN nhận diện cá thể người để phục vụ triển khai Luật Căn cước và các tiêu chí về việc kết nối đến Cơ sở dữ liệu căn cước.
Vân Anh