Theo đó, những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tội phạm tín dựng đen có thời điểm hoạt động hết sức phức tạp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trước tình hình đó, lực lượng Công an trên toàn tỉnh đã vào cuộc đấu tranh triệt phá và làm tan rã hàng chục băng nhóm, khởi tố hơn 100 bị can.
Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, bóc gỡ xử lý triệt để các nhóm tín dụng đen ẩn náu hoạt động trên địa bàn.
Các nhóm tín dụng đen đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân ở các buôn làng, rất nhiều nhóm đối tượng từ các tỉnh phía Bắc đã ồ ạt kéo nhau vào Đắk Lắk để hoạt động tín dụng đen. Với những lời mời chào ngon ngọt như: “Cho vay nhanh gọn, thủ tục đơn giản” “chỉ cần sổ hộ khẩu, CMND, cà vẹt xe” là có thể vay từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Vì cần tiền để sản xuất, sinh hoạt, trang trải cuộc sống mà rất nhiều người dân ở các buôn làng Đắk Lắk đã sớm trở thành nạn nhân của tín dụng đen.
Thống kê sau 03 năm thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, đấu tranh triệt xoá, làm tan rã 57 nhóm với 258 đối tượng, 140 đối tượng hoạt động riêng lẻ, 29 cơ sở kinh doanh liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Qua đó, đã khởi tố 42 vụ án với 101 bị can về các hành vi như: cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, huỷ hoại tài sản và cố ý gây thương tích.
Đồng thời, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, nhiều biến tướng mới khó phát hiện hơn và rất liều lĩnh, manh động. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an thì mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo.
Ngoài ra, khi cần vay mượn tiền thì nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng được Nhà nước cho phép hoạt động để tránh sập bẫy của tội phạm tín dụng đen.
PV