Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ban Chỉ đạo 138 thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia phòng chống tội phạm.
Trong đó, lực lượng Công an thành phố đóng vai trò nòng cốt; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi vi phạm.
Đồng thời, chủ động phòng ngừa phát hiện xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.
Xác định rõ trách nhiệm “nêu gương” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong phòng chống tội phạm; đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác đảm bảo an ninh, trật tự của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng ngừa và phát hiện tố giác tội phạm.
Trong đó, chú trọng ứng dụng, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông, các tiện ích mạng xã hội để tuyên truyền đến người dân nắm bắt, hiểu biết về các quy định pháp luật, lan tỏa thông tin tích cực; phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng chống tội phạm, đấu tranh mạnh mẽ, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tội phạm.
Công an TP. Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp trong phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp xây dựng, củng cố, phát huy, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về tự phòng, tự quản, tự hòa giải về an ninh, trật tự, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình theo hướng xã hội hóa.
Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt ở cơ sở làm hạt nhân, chỗ dựa cho lực lượng Công an trong phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ngoài ra, tăng cường khai thác, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển trạng thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang “hiện đại”, ứng dụng công nghệ sinh trắc học, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào công tác phòng, chống tội phạm.
Nghiên cứu, khai thác sách, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất đối với các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội theo quy định, trong đó ưu tiên đầu tư cho các lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã để kịp thời giải quyết ngay từ đầu, từ sớm các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự tại cơ sở…
Phong Vân (t/h)