Đây là năm thứ 8 - liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. Việc công khai Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm nhằm thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế.
Theo đó, dự kiến dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7%GDP. Dự kiến, tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021.
Dự kiến bội chi ngân sách nhà nước là 372,9 nghìn tỷ đồng, khoảng 4%GDP; nợ công đến cuối năm 2022 khoảng 43-44%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bằng khoảng 21-22% tổng thu ngân sách nhà nước.
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 hướng đến mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; Đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Trong báo cáo, Bộ Tài chính cũng công khai tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự kiến kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2022 - 2024) và giải pháp triển khai thực hiện.
Ngọc Khánh